expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Thư ông Lương Hằng, nguyên PCT tỉnh Thái Bình gửi PH


Kính gửi anh Kim,
Nhận được thư mời dự lễ đón nhận phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng và mừng thọ 90 tuổi của Anh, Tôi rất vui và vội báo tin với anh chị em cùng công tác ở Quỳnh Côi với Anh thời đó còn sống, tất cả mọi người đều phấn khởi trước sự kiện này trong đời sống của anh, người mà anh em Quỳnh Côi thời đó mỗi khi gặp nhau ôn lại những chặng đường gian khổ khó khăn, hiểm nguy thường nhắc tới đức tính bình tĩnh, kiên quyết, gan dạ, mưu lược trong chiến đấu,  giản dị trong cuộc sống, chan hòa thân ái với anh em của Anh. Tuy thời gian công tác ở Thái Bình – Quỳnh Côi của anh không nhiều nhưng Anh đã để lại cho anh em Chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhất là trong phát triển du kích chiến tranh, xây dựng cơ sở trong hậu địch. Khi đã đi khỏi Thái Bình - Quỳnh Côi anh vẫn dành nhiều tình cảm đối với phong trào nơi mà anh đã từng góp sức. Có thể nói anh là một đồng chí cán bộ lãnh đạo có nhiều đức tính quý, Chúng tôi rất trân trọng học tập.
Xin thay mặt anh chị em Quỳnh Côi thời đó còn sống và cá nhân Tôi, chúc mừng Anh, chúc Anh luôn mạnh khỏe tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp CM và quê hương, chúc gia đình cháu Thanh hạnh phúc thành đạt.
Anh Kim ạ! Tôi rất tiếc, một dịp rất quý hiếm này mà không đến được với anh vì điều kiện sức khỏe, mong Anh thông cảm.
Thông qua đường bưu điện xin gửi tặng Anh những bông hoa tươi thắm của quê lúa Thái Bình.
Chúc mừng buổi lễ thành công.
Thái Bình ngày 4/9/2013
Lương Hằng
Địa chỉ: Lương Hằng
Số nhà 130 đường Lê Thánh Tông

Tổ 6 Phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình

CT: Năm 1950 PH được cấp trên cử làm đại diện ra miền Bắc trao đổi kinh nghiệm chiến tranh du kích, người được phân công về huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình, làm bí thư Huyện Ủy, chính trị viên Huyện đội, là người đại diện cho tỉnh Thái Bình dự Hội nghị chiến tranh du kích năm 1951 tại Việt Bắc do Bộ Quốc Phòng tổ chức, Chú Lương Hằng là bí thư huyện ủy Quỳnh Côi tiếp ngay sau khi PH rời Thái Bình trở về Nam nhận nhiệm vụ mới năm 1953. Khi gửi giấy mời, MF có điện cho chú, nói gia đình sẽ gửi vé máy bay mời chú vào, vì biết chú bị đau chân nặng, và chú cũng là người hiếm hoi còn lại trong số các lãnh đạo thời ấy, nhưng chú đã không đi được. Chú hình như chỉ thua PH 1-2 tuổi. Và chú đã gửi lá thư này vào cùng với lẵng hoa mừng. Chú sống rất thanh đạm tại TP Thái Bình.
Các đời bí thư Huyện Quỳnh Côi, sau này là Quỳnh Phụ, rồi Quỳnh Côi trở lại, sau giải phóng, mỗi khi có dịp vào Nam đều ghé thăm PH, nên MF hay nói đùa rằng: MF rành các bí thư huyện Quỳnh Côi hơn huyện nhà nơi MF sinh ra là huyện Triệu Phong :)
Đặc biệt những người cùng sánh vai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rất thân thương và quý trọng nhau. MF từng cùng với Người về thăm lại Thái Bình, không những cán bộ, mà cán bộ cơ sở, nhân dân trong vùng, họ vui trào nước mắt sau bao năm được gặp lại "Anh Kim", MF nghe lỏm, người ghi dấu ấn trong họ với hình ảnh: đẹp trai, dũng cảm, nhanh nhẹn trong bộ bà ba đen, khăn phu-la thường xuyên trên cổ, ăn ớt nhiều và nói tiếng trọ trẹ! :D
Những hình ảnh Người dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đồng Khởi Cùa, tại Cam Lộ, Quảng Trị, một chiến công vang dội do chính tay người "đạo diễn" đã đi vào lịch sử, trước khi gặp bạo bệnh.


Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Về Quế Lâm

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: Về Quế Lâm:
                                                         Cùng nhau về với ngày xưa
Bốn mươi năm ấy như vừa mới đây
Bạn bè, chú má, cô thầy
Lại âu yếm, lại vui vầy cùng nhau...

Trời Quế Lâm thổn thức
Đất Quế Lâm chông chênh
Đón đàn con nhỏ về miền ấu thơ

Ta như nhỏ lại lối xưa
Bao nhiêu ký ức say sưa tràn về
  Con đường quế, nắng tràn trề
Nhà ăn, sân bóng... cơn mê ngàn trùng

Mây ngừng trôi, nắng ngừng trôi
Để miền xưa lại chơi vơi những ngày
Yêu thương lại được đong đầy
Nắm tay nhau nhớ một thời thẳm sâu

Quế Lâm trong ngày mới
Quế Lâm trong ngàn sau
Trường xưa ơi, mãi bạc đầu nhớ nhung...

16:37 Ngày 23 tháng 10 năm 2008

CẢM TÁC ĐỊA CHỈ EMAIL

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: CẢM TÁC ĐỊA CHỈ EMAIL: Dưới đây là vài dòng tâm sự của bạn Quế Lâm (Q.MF) khi giải thích vì sao có cả một cộng đồng các bạn Bé (lứa nhỏ?) xài chung một địa chỉ email hsmn..
(địa chỉ email này đã được lập ra như một blog để bạn bè vào cùng tâm sự sau chuyến cùng nhau về thăm trường, khi đó bọn Quế chưa biết chơi blog, tên là hsmn.quelam@gmail.com, password là nguyenvanbe, các anh Trỗi đã cảnh báo nhưng không nghe, cuối cùng bị hack!)


."HSMN""quelam"
"nguyenvanbe"
Những danh từ cứ nghiến vào ký ức
Đau đáu một nỗi niềm tuổi thơ
Trầm buồn và thương nhớ
Nó đã đi qua
Nhưng nó không đi xa
Nó cứ loanh quanh mãi với những con người đã lớn lắm rồi mà cứ nhớ mãi rằng mình còn vụng, tồ, nghịch ngợm như trước kia...
Phải đâu như lũ con cái chúng ta ngày nay internet, xe model, nhảy Rap-Hip-hop...
Chúng ta còn "tồ" mãi cho đến giờ
Hễ còn mang dòng máu HSMN
Gặp nhau, ai nấy lại hiện nguyên hình ngày xưa "tên tuổi"...

RU MẸ

RU MẸ

Mẹ ốm và nằm ngoan như đứa trẻ
Con ước mẹ lại khoẻ
để rầy la con cháu như từng ngày
Ngày xưa mẹ ru con cò lả cánh cò bay
Thiếu phụ miền Trung yêu dân ca miền Bắc
Cho con một ký ức tuổi thơ
Ngăn ngắt những cánh đồng
Mẹ từng như cánh cò mải miết chốn bờ sông
Bấm chân giữa trời nuôi con trong mưa hạ
Cha bôn ba trời xa đâu biết nỗi niềm bão gió
Mẹ một mình xao xác ru con...

Chưa kịp lớn con mẹ đã Bắc Nam biền biệt
Phương trời xa, khắc khoải ngắm cánh cò
Con thèm mẹ, mẹ thèm ru con nhỏ
Mười năm cách trở mong chờ...
Mười năm đủ nhớ
Mười năm đủ quên
Để mẹ lóng ngóng, để con thẹn thò ngày hội ngộ...

Hà ơi... giờ mẹ ốm con làm sao ru mẹ
Gọi cánh cò trở lại buổi chiều nay
Cho con ru
Cho nỗi đau dịu vợi tháng ngày
Mẹ ngủ say, con mong mẹ ngủ say
Rồi mẹ khoẻ cho một ngày con vui...

Huế 2005

ĐI QUẾ LÂM

Ngày chủ nhật,không phải đi học , cả bọn lại rủ nhau đi bộ ( chứ làm gì có xe mà đi ) ra phố chơi . Việc đi ra phố ấy gọi là "đi Quế Lâm", thật như dân thiểu số đi ra phố chợ! Có mấy đồng bạc dắt díu nhau ra ăn kem, mấy ông Tàu Chệt bán mấy phích kem ngồi chửi nhau: "xẻo ma nị "! Còn bọn Việt gian con này mua được mỗi đứa một cây kem có mấy hạt đậu đỏ ở đầu giá một hào, vừa đi vừa liếm! Vào "mậu dịch đỏ" thì chỉ "dòm" cho biết chứ tiền đâu mà mua? Khi về ghé qua "hang gió" tí cho mát, ghé qua vườn bách thảo trèo hái trộm vài quả "cơm nguội", đặc biệt có mấy quả gì xanh xanh, chua chua như trái chôm chôm nhưng rất nhỏ, bọn con trai bĩu môi chửi: Đúng là bệnh con gái, hay thèm chua...

TRỞ THÀNH MỘT HỌC SINH MIỀN NAM



Trở thành một Học Sinh Miền NamTừ 1961, khi bắt đầu nhận biết thế giới quanh mình thì tôi cũng bắt đầu lâm thân vào thế sự của đất nước và gia đình. Trong gia đình thấy có mẹ, bà nội, bà cô nhưng không có cha. Có điều lạ là tôi không có cảm giác thiếu vắng cha, vì trong gia đình tôi luôn thầm thì nói về người một cách bí mật nhưng rất tự hào. Rồi anh tôi bị bệnh thương hàn, nhà quá nghèo, không có tiền đưa anh đi bệnh viện, rồi gia đình tôi mất anh, tôi mất người anh, người bạn thân thiết nhất. Bà nội tôi chỉ có một mình ba tôi, nên đêm nào bà cũng ra ôm mộ anh khóc dưới trời mưa gió, rồi vài tháng sau bà tôi cũng lâm bệnh mất luôn, bé nhỏ nhưng hai lần tôi đội khăn tang. Rồi chúng tôi được tin chị đầu tôi tập kết ra Bắc học Tại trường HSMN số 4, cứu bạn chết đuối, bạn sống, còn mình thì chết! Trong một thời gian ngắn, gia đình có ba cái tang, đến cái ngày tôi được gặp ba tôi ba năm sau đó, tôi nghe nói Người đã rụng hết tóc trong năm này. Thế là ba mẹ chỉ còn mình tôi. Ba mẹ tôi yêu nhau trong chia ly, cưới nhau trong giã biệt! ba lần hiếm hoi gặp nhau trong cuộc chiến sinh được ba đứa con, rồi xa nhau, dĩ nhiên mãi sau này tôi mới biết điều đó. Những năm đó (sau này tôi mới biết là những năm tình hình rất đen tối, dư âm luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm, đảo chính, rào ấp chiến lược...) tôi cảm thấy cuộc sống mình cứ rờn rợn, lâu lâu nghe tiếng thanh la, trống mõ báo động báo Việt cộng về, tất cả mọi nhà bắt buộc phải đánh mõ báo động, nhà tôi không có đàn ông, mẹ tôi là người ngồi cật lực gõ mõ, còn tôi và bà cô bà của tôi run khập khẩy chui vào đống rơm dưới gậm giường trốn, vì họ bắt trốn dưới hầm, nhưng hầm nhà tôi đầy ếch nhái, chúng tôi không thể chui xuống! Nhưng nếu không trốn, họ đến kiểm tra thấy sẽ bị bắt lên xã vì gia đình tôi là gia đình Việt cộng nguy hiểm bậc nhất vùng! Sách vở tuyên truyền Việt cộng có đuôi, họ vẽ hình 7 người leo cọng đu đủ không gãy, nhưng rất mâu thuẫn họ nói rằng Việt cộng rất gian ác, họ vẽ hình Việt cộng dí dao vào cổ thường dân để doạ giết! Đến bây giờ tôi vẫn nhớ tôi đã run như thế nào mỗi lần báo động như thế, tôi run vì sợ, nhưng không biết sợ cái gì! Vì sau mỗi lần như vậy, ngày hôm sau tôi lại nghe mấy ông hàng xóm nói đổng với nhau “ hà, bữa qua Việt cộng về ẻ cứt đầy đàng!!!”

Một đêm cuối tháng 10 năm 1964, mẹ tôi thủ thỉ với tôi: ngày mốt hai mạ con mình đi ăn đám cưới chị Đương con cậu Cháu ở Dốc sỏi, tôi mừng reo lên, thế là được mặc đồ mới, chẳng là tôi mới được một bà cô bà buôn bán trên chợ mua cho một bộ đồ hoa rất đẹp, nhưng mẹ nói: khi đi con không được mặc đồ đẹp, nếu không họ nói nhà mình nghèo mà sao lại làm sang! Tôi ỉu xìu, nhưng rồi cũng vẫn cảm thấy rộn ràng vui vì sắp được đi dự đám cưới, mặc dù có hơi băn khoăn: hình như nghe trong nhà nói đám cưới này đã từ mấy ngày trước rồi mà? Thôi kệ, miễn là được đi dự đám cưới, còn gì long trọng hơn đối với một đứa trẻ 7 tuổi vào thời kỳ ấy? Cả ngày hôm sau tôi chỉ đi khoe mình sắp được đi ăn cưới, và cả đêm đó không ngủ được, tôi phát hiện thấy mẹ tôi có mấy thứ rất lạ: mấy cục xà phòng thơm và mấy gói kẹo dẻo (nhà tôi có bao giờ có những thứ này trong nhà!) mẹ tôi vội vàng giấu ngay và bảo tôi đi ngủ, còn bà cô bà của tôi thì đắp chiếu nằm khóc và bảo con đi ăn đám cưới nhớ đem bánh về cho bà nghe! Tôi cứ lạ là sao tôi đi ăn cưới mà bà lại khóc! Sáng sớm, mẹ tôi dặn: Con đi đường đò trước với o Nghĩa, mạ đi đường bộ gặp con sau. Lại thêm một điều lạ nữa đối với tôi, sao mẹ lại không đi cùng tôi mà lại ăn mặc như những ngày mẹ đi lấy củi rừng? Sau này tôi mới biết đó là một cuộc tổ chức bí mật đi thoát ly của mẹ con tôi, gia đình tôi được chính quyền “chăm sóc” rất chu đáo nên gia đình tôi đã rất công phu với tôi vì sợ tôi làm lộ. Tôi theo bà cô đến thôn Giáp khế thì thấy có một chú đến dắt tôi đi, và đi xa một hồi nữa thì tôi gặp mẹ cùng một số người và cả đoàn lội đất đồi rú cứ hướng núi đi lên. Tôi hỏi mẹ sao mãi không đến Dốc sỏi, lúc này mẹ mới nói là chúng tôi đang đi gặp ba tôi! Các chú đang đi cùng chúng tôi là các chú giao liên của cơ quan Tỉnh uỷ Quảng trị. Trời sập tối, các chú mỗi người đội một cái mũ cối có cài lá hoặc dù nguỵ trang, tôi giật mình: sao mà giống trong ảnh họ vẽ những người Việt cộng giết người, nhưng mà sao các chú hiền khô, không có đuôi và vui tính! Nói là đi gặp ba, nhưng dễ dàng gì đâu: đi hoài, đi mãi, lội suối, trèo đèo, muỗi, vắt (đến lúc này tôi mới biết hoá ra mẹ tôi đem xà phòng thơm đi là để xoa chống vắt và kẹo thì đến khi gặp ba tôi tôi mới biết là để làm quà cho Người, nhưng cuối cùng thì lại là phần các chú bộ đội và tôi!), ban ngày nghỉ lại ở một trạm giao liên nào đó, các chú cứ chỉ đùa tôi một ai đó, nói là ba út đó! Nhưng tôi không chịu. Đến đêm lại đi, có lúc các chú có lệnh: có phục kích! Nhưng hoá ra một đàn hươu chạy qua, rồi gần đến một con suối lớn, nghe tiếng xào xạc rất mạnh, các chú lên đạn sẵn sàng chiến đấu, sau đó thì...một đàn voi! Được mẹ và các chú cõng, nhưng đôi lúc tôi đòi tự đi, tôi không thấy mệt mà thấy thú vị. Cho đến giờ, tôi nghiệm lại thấy các chú giao liên sao mà dũng cảm, họ sẵn sàng đương đầu với bất cứ một cuộc phục kích bất ngờ nào của quân địch, không hề có chút hoang mang.
( còn tiếp )
Q.MF

CÔNG DU QUẢNG TÂY

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: CÔNG DU QUẢNG TÂY

.Quế Mafia mới làm một chuyến công du tại Namninh và Bắc Hải, Quảng Tây về. Chuyến đi nhằm thăm trang trại lợn ứng dụng công nghệ mới, không phải dọn chuồng, ít tốn thức ăn hơn nhưng thịt heo ngon hơn và dĩ nhiên lãi suất cao hơn! Sau đó ghé thăm biển Bắc Hải, chắc các Quế còn nhớ giai thoại "vũ qua Bắc Hải" của trạng Quỳnh.Gửi các Quế vài tấm ảnh coi cho zui!
H1.1 " TÂM SỰ TUỔI 50 "


H1:Chuồng đã chưa . Nhưng không phải ai cũng thích đâu .


H2 :Tớ vẫn khao khát cuộc sống ngoài kia .


H3 :Ăn cỏ ngon lắm


H4 :Đánh hội đồng tên tội phạm .

H5 :" Vũ qua bắc hải "

XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY - CON NGƯỜI VÀ LÒ RƯỢU


XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY (Con người và lò rượu -PHẦN 1)

Mấy bữa ni bận rộn trong phòng thí nghiệm, về nhà lăn ra ngủ, rồi đi và đi nên mafia hoãn buôn, chừ leo lên máy bay trở về, mới có thời gian ngồi buôn tiếp!

Edinburgh

Giáo sư Anne Pearson của Đại học Edinburgh là bà giáo cũ dạy mafia ở lớp Master, đồng thời là đối tác chính trong công việc của mafia tại Anh lần này, đánh xe hơn 300 cây số về Aberdeen đón mafia. Ở chi xứ Aberdeen gió lạnh mưa sa này cho nhiều, đi lên Endinburgh để gặp trường, thăm thú và còn để mình trả em món nợ hiếu khách ở Huế nữa chứ!! Bà giáo gọi điện thoại trước đó cho mafia nói thế, vì Tết năm ngoái làm việc xong với Cần Thơ thì cận Tết, mà Hà Nội lại hẹn làm việc với bà ngay sau Tết, bà viết thư hỏi mình mấy ngày kia tính sao? Có cách gì hơn là ăn Tết với Huế? Ồi tớ thích lắm! Thế là bà ấy đã cho mafia một mẻ bận rộn gấp đôi vì vừa lo Tết nhất vừa lo cho cô giáo thăm quan, đến ngày đi cúng Tất niên ở quê Quảng Trị, mafia bới bà theo luôn cho khỏe, bà rất thích thú vì được ăn Tết với người địa phương quê mìn.



Đường lên Endinburgh
Ê-đin- bua (viết thế cho các Quế đỡ trẹo miệng đọc cái thứ chữ scots kia) ấm hơn, cây lá còn rất đẹp và nhiều nơi để thăm thú lắm, nhưng trước hết lên đó chúng ta phải hoàn tất kế hoạch dự án đã ! Ok, em muốn đi thăm một lò làm rượu whisky! Dễ thôi. Bà ở lại Aberdeen một đêm, cùng đi ăn nhà hàng Trung Quốc với ông giáo và hai người bạn Indonesia cùng tên học trò của Quế. Mafia thấy bọn nó nấu dở ẹc mà các vị ấy thích thú lắm, ông giáo kêu khi nào có khách quí đều đem đến đây! Chỉ bà chủ là người Trung Quốc, còn đâu người Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc…làm trong nhà hàng í! Nhà hàng đông nghịt, chắc giữa xứ sở lạnh lẽo ăn toàn bơ sữa này, những dĩa thức ăn Tàu nóng hổi dẫu dở cũng xiêu lòng thực khách! Đến mục thanh toán, ôi trời tranh nhau trả tiền (bên Tây hiếm khi có chuyện nì vì họ thường ăn rồi phần ai nấy trả, kể cả 2 người yêu nhau, họ có cù mìn đi ăn thì chớ bao giờ chờ họ trả tiền, mà lo thủ tiền đi dẫu không bít đắt hay rẻ! Chỉ trừ khi họ mời về ăn ở nhà. Không như ở ta đôi khi giành nhau quyền hữu hảo đến chấn động cả nhà hàng!) nhưng hôm í đã xảy ra như thế, ông già nói ổng mời ổng trả, vì đây toàn học trò và khách của ổng, mafia đưa lí do hôm nay ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), là ngày ở Việt Nam học trò có dịp thể hiện tình cảm thầy trò, vậy xin các giáo già cho mafia được dịp “tôn sư”! Không được, chúng nó sang đây để làm việc dự án, dự án mời, cuối cùng bà giáo thắng cuộc. Bà được vợ chồng ông giáo mời về nhà ông ngủ lại, sáng hôm sau đến đón mafia đi.

Nhà hàng và chọn món
Năm 1999, mafia đang học môn sức kéo động vật của bà Anne ở Cần Thơ thì cái lụt lịch sử đã xảy ra ở Huế, mấy ngày liền không liên lạc được, ti vi báo đài thì nói rùm beng, ở nhà phụ huynh già với các Quế con thơ dại, mafia như đã phát cuồng, ngày nào cũng khóc. Bà giáo thỉnh thoảng đến phòng mafia ngồi lặng thinh. Đến ngày máy bay về Huế bay được rồi, bà giục mafia về đi, bà gói một cái cốc nhỏ và con búp bê, nói đem về cho em bé nhé! (“em bé” í bi giờ học lớp 12, biết mẹ quí cô, muốn đan một cái khăn len tặng cô nhưng ngặt nỗi làm mãi chưa xong vì…vụng quá, trêu: nhà mìn nay có một nàng Bân rùi).
Mùa này Scotland ngày ngắn lắm, 8h sáng mặt trời mới rạng và 4h đã thấy tối thui rồi, chậm trễ một tí là không kịp việc gì hết. Bà giáo ít khi đến Aberdeen, không quen đường, trước khi lên đường còn về đón tên học trò mafia đang ở trên một phố khác, thường ngày là ông giáo đưa đi, cũng đã có ngày tự đi xe buýt, nhưng khổ nỗi, khả năng nhớ đường và định hướng của mafia tuyệt lém (nhiều lần về làng mìn, chạy qua khỏi cổng làng rồi ngẩn ngơ chẳng bít đường mô mà đi vô cả, nói sao họ làm lại đường khi nào??… có người đã rủa mafia là đồ “ngu về đường”!) Lần này chỉ đường cho bà giáo, mafia cho bà vòng mấy vòng quanh thành phố (nhà cửa bên nì chỗ mô cũng giống chỗ mô, mà khi được chở đi thì đầu óc mafia cứ hành sự “ngắm nhìn và suy ngẫm”, lúc này mới thấy tai hại thế nào của cái sự ấy), cố gọi ông thầy để hỏi đường mà ổng không cầm máy, phải hơn một giờ sau ông già cầm máy mới hỏi được. Ôi trời, ta đã không ít hơn chục lần dặn phải nhớ lấy đường rồi chứ!... Nhưng toàn là ngồi trên xe em không nhớ!... Hức, ta hy vọng mi về đến Edinburgh trời còn sáng! Nếu không thằng học trò mi làm sao trở về?


Edinburgh lạnh giá và Đài tưởng niệm Walter Scott
Đến Ê-đin- bua, vì tên học trò phải quay về ngay bằng tàu hỏa để làm việc vào thứ hai, nên bà đưa cô trò mafia đi thăm quan luôn! Điều đặc biệt của E-đin-bua, thủ phủ của Scotland là: Các di tích và điểm tham quan quan trọng hầu như đều nằm ở trung tâm. Trời mưa rét như cắt, gửi xe xong, cô trò đội mưa dắt díu nhau đi vào trung tâm, thăm “ Walter Scott”, một cái tượng đài tháp do người Scotland xây dựng để tưởng nhớ một nhà văn vĩ đại của xứ sở, Sir Walter Scott, tác giả của các tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Anh, trong đó có tiểu thuyết “Ai-van-hô” (Ivanhoe), quyển sách yêu thích của mafia hồi ở Quế (mà chắc chắn là nhìu Quế đã đọc nó, vì nó có trong thư viện trường Nguyễn Văn Bé. Mafia chỉ phát hiện ra ông là “người quen” mới đây, chứ khi đi thăm không để ý, vì mưa lạnh quá, vả lại thời ấy đọc sách ít để ý tên tác giả, chỉ ngấu nghiến thành phẩm của họ mà thui… ).


Mafia với Rob Boy, một nhân vật trong tác phẩm cùng tên của đại văn hào Walter Scott tại trung tâm trưng bày và may mặc vải ca-rô Scotland
Bây giờ đi thăm lâu đài lớn nhất của Ê-đin –bua, trên đường đi, có một bảo tàng tranh (The National Galleries of Scotland), có muốn ghé thăm không? Có chứ ạ! Tiếc là họ không cho chụp hình bên trong, những bức họa từ những thế kỷ mười sáu mười bảy, sống động đưa mình về cuộc sống của xứ sở thời ấy. Mình không rành về nghệ thuật họa hình, nhưng những bức tranh tuyệt hảo và nổi tiếng của xứ sở như những câu chuyện dân gian đưa mình trở lại thời xa xưa dân Scots đã sử dụng con bò, con ngựa làm nông ra sao, người nông dân ăn uống như thế nào, tình cảm cha con, chồng vợ… mình có thể hình dung được con người và nền văn hóa dân gian đặc trưng của người Scots thay đổi qua các thời đại để hình thành nên nền văn hóa trầm tư và lãng mạn hiện tại của một nước phát triển, thí dụ như thay vì cách uống với các kiểu cốc tách sang trọng đặc dụng tùy vào thức uống và ẩm thực cảnh hiện nay thì thời ấy người ta ngửa cổ nốc nước từ trong cái bát gỗ như là người xứ Nghệ ở ta uống nước chè xanh trong “đọi” vậy, nhưng trang phục, hệ thống canh nông cũng như kết cấu nhà cửa hầu như được bảo tồn đến hiện tại, do vậy hiện đại đến đâu thì xứ sở này vẫn làm cho lữ khách cảm nhận được hơi thở và linh hồn Scottish của họ! Chúng ta thường nói nước ta là nước nông nghiệp, nhưng cách làm nông nghiệp ở ta chỉ là làm nông chứ chưa thấy có cái văn hóa làm nông nghiệp, đương nhiên mục đích đều là “sản xuất ra của cải và sản phẩm cho xã hội” nhưng ta chỉ lợi dụng đất đai tài nguyên mà kiếm cơm kiếm gạo mà ta chưa chí thú nghề nông. Đến Italy và Scotland mafia thấy mới thấy người ta thực sự chí thú với nghề nông, điều này mới chỉ là cảm nhận riêng của mafia chứ chưa (và cũng chưa thấy ai) tám về điều ấy. Những bức tranh làm người xem được thấy hai mặt của đời sống người Scots: dân dã và thượng lưu. Nói vậy bởi vì mafia mới tám về các bức tranh thể hiện đời sống dân dã, nhưng khi bước vào bảo tàng, những bức tranh đồ sộ gây ấn tượng mạnh với lữ khách là các chân dung của các ông hoàng bà chúa đương thời, chúng làm cho người xem như lạc về những thế kỷ cũ kỹ kia với mũ mão, gươm đai, xiêm váy đụp xòe của giới thượng lưu xa hoa và lắm giai thoại…Lớn có, nhỏ có, những bức tranh được trân trọng bảo tồn trong một bảo tàng ấm áp giữa thủ đô giá lạnh. Em hơi đặc biệt đó, khách của ta không phải ai cũng háo hức vào xem bảo tàng tranh này! Dạ, em hơi tham lam, gì cũng thích biết một chút, bảo tàng tranh cổ thường là nơi để người xem thấy được nền văn hóa thực chất khi chưa bị thay đổi bởi cơ sự công nghiệp hóa mà! Rồi, lâu đài…, đây là lâu đài hoàng gia, cực kỳ lớn và vững chắc, như một ngọn núi sừng sững. Nó lớn và thể hiện tính hoàng gia lớn quá, phô trương quá nên không hấp dẫn mafia bằng lâu đài ở Aberdeen. (rùi sẽ buôn típ). Kuala Lumpur 27 November 2009.


Bảo tàng tranh và lâu đài

XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY.:

Gà gật qua 4 chặng bay cùng với tên học trò lớ ngớ (bới theo cho nó học nghề mafia (-:), vượt biển với chiếc máy bay có phong thái lái hơi lạ của một nữ cơ trưởng (làm MF say máy bay lử đử), MF đáp xuống bờ biển Bắc của Tây Âu. Thành phố Aberdeen đón cô trò mafia với cái rét kinh người 3oC trong mưa ngâu. Vợ chồng giáo sư Bob Orskov đánh xe ra sân bay đón (các Quế có thể truy cập thân thế ông này dễ dàng trên mạng, nhân vật rất được Hoàng Gia Anh sủng ái và ông bộ trưởng bộ Phát triển của Anh từng viết một bài viết về ông có tựa đề là “The man of the land” tạm dịch là “Người của đất”! Không phải vì mafia là nhân vật quan trọng gì mà cỡ ông phải đi đón đâu, mà vì mafia từng cơm niêu nước lọ thỉnh giáo ông nhiều chưởng trên bước đường nghiên cứu của mình nên trở thành tên học trò cưng của ông mà thôi!). Từ cái sân bay địa phương giản dị này, chiếc xe nhỏ ấm áp đưa MF lướt qua miền ngoại ô của thành phố ướt át và cổ kính, trầm tư mà lãng mạn với những con đường nhỏ hiện đại nhưng đơn giản và những hàng cây đang cố gắng níu giữ những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa thu đang đi qua. (Hơi mô tả điệu một chút vì những chiếc lá kia làm MF liên tưởng tới câu chuyện “chiếc lá cuối cùng” của một họa sỹ mà các Quế đều đã từng biết). Khi nhỏ đọc các tiểu thuyết Nga, Mafia từng ao ước có một lúc nào đó được đắm mình trong một rừng thu vàng lá, nhưng mafia luôn để lỡ cơ hội, lần này cũng thế, mafia đã muộn chân và những chiếc lá vàng ước ao kia đã không chờ đợi được (he he, nói thế là vì khi liên lạc với ông giáo sư, hỏi tháng 11 qua có còn rừng lá vàng không? Đáp còn, nhưng nhanh chân lên!) Kiến trúc thành phố hoàn toàn khác những nước châu Âu MF từng đi qua, rất đặc trưng của một nền văn hóa cổ của một xứ sở bên bờ biển Bắc, những căn nhà thấp nhỏ, mái xuôi với những bức tường đá granit miếng vững chãi tưởng chừng như tất cả đã tồn tại cả ngàn năm cùng những ống khói vời vợi, rất lạ với kiến trúc này, MF thắc mắc về vụ ống khói, ông giáo sư nói do xứ này lạnh nên dùng nhiều chất đốt, mình hỏi: dám ông già tuyết Santa Claus xuất xứ từ xứ này quá? Ông cười ha ha, có thể lắm!! Việc ăn ở được bố trí ở một trong những căn nhà nhỏ ấy (chủ là tiến sỹ Xu Bin Chen, gốc Trung Quốc trong khi ông ấy đang trở về Trung Quốc). Căn nhà nhỏ xinh xắn và tiện nghi tạo một cảm giác ấm cúng giữa bầu trời mưa sa gió rét kia. Bà vợ ông giáo cứ lẩm bẩm “sao mày lại chọn mùa này mà sang chứ..ứ..”
Ông giáo chẳng đếm xỉa gì con học trò đang phập phồng với cái say máy bay, cái bàng hoàng của người vừa đặt chân đến xứ lạ, cất đồ đạc xong một tiếng sau là ông đến hô lên xe chở đến viện nghiên cứu Macaulay, kéo đi gặp gỡ với giáo sư Bob Mayes, người nổi tiếng trong việc chế ra việc nghiên cứu sử dụng chất alkanes, cũng là người mafia sẽ chính thức làm việc với, rồi các phòng ban và một số người cùng làm việc trong một số dự án MF từng “tên kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, đi đâu cũng “hắn vừa vượt hàng ngàn dặm từ Việt Nam tới đây đó!” “Ôi trời, sao ông không để cho hắn nghỉ ngơi chút đã?...” “Chậc, nhà khoa học mà…” (híc, nhà khoa học là thiên thần chắc! Zưng mà mafia biết ông ấy quá rõ nên chấp nhận thôi, hồi nẳm khi lần đầu MF định thỉnh giáo ông ý tưởng nghiên cứu của mình, ổng phủ đầu: không nói gì nhiều, viết đi, khi nào viết xong tự thấy ổn rồi thì đưa ta xem, còn chưa thì thôi!). Khoảng gần 6h chiều, “đi với ta đến câu lạc bộ “Rotary club”, ta đã sắp xếp cho em một cuộc nói chuyện ở đó để em nói cho họ nghe về Việt Nam, về hiệu quả của sự giúp đỡ của câu lạc bộ, câu lạc bộ chỉ họp tuần một lần, hôm nay có một số nhân vật từ xa tới, mọi người đang chờ!” hức, các Quế có biết hông, lúc í là gần 1h sáng bên mình đóo, hic! Đành bước thấp bước cao lên xe đi. Xe bon bon qua thành phố, ra vùng ngoại ô, xuyên qua những cánh rừng thông bạt ngàn, tuyệt đẹp, mafia như bừng tỉnh giấc, ông già đá hiếng mắt: được không? Hóa ra nãy giờ ông ấy ngầm quan sát phản ứng của cô trò "nhỏ"…tuyệt! - ta biết mà! (He he, bao năm làm việc với nhau, ông già đã đi guốc vào bụng con học trò cứng đầu nhưng dễ cảm nắng ni).
Trời trở tối nhanh chóng, xe chạy vào những ngôi làng xinh xắn, đổ xịch trước một khách sạn tối om (thình lình mất điện), thầy trò bước vào một gian phòng rộng lớn rực rỡ những ngọn nến và tiếng nói chuyện lao xao của những…người già! Tiếng “ồ..” “à..” khi ông thầy giới thiệu mình với ban tổ chức buổi họp và các bạn già của ông. Cũng xin nói qua với các Quế về duyên cơ với câu lạc bộ ni. Hồi MF học thạc sỹ ở Thụy Điển, khi học môn “hệ thống nông lâm kết hợp”, giảng viên yêu cầu sinh viên viết một bài luận về hệ thống nông lâm tại địa phương mình, MF đã thảo một bài viết về hệ thống nông lâm của Quảng Trị, trong đó lồng vào những bình luận về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh và chất độc màu da cam đã tàn phá hệ thống sinh thái của quê nhà và người dân đã vất vả như thế nào để tái lập cuộc sống và cây cỏ sau chiến tranh. Đương nhiên bài luận viết bằng tiếng Anh, giao tiếp thông thường và các bài viết khoa học cơ bản thì MF tàm tạm, thi thoảng còn copy được văn chương từ một số bài viết khác (đang đi học mừ!), chứ viết luận theo dòng chảy tư duy của chính mình như thế này thì, vốn liếng thứ tiếng không phải của mẹ đẻ kia của mafia đáng ngờ lém! Cho nên để khỏi mất điểm, mafia gửi cho ông giáo nì sửa giùm! Đọc xong, ông ấy email cho MF rằng: “tiếng Anh của mi tệ lắm, nhưng nội dung bài viết làm ta chảy nước mắt!” vài năm sau ông sang Việt Nam, MF không ngờ bài luận của mình vẫn còn nằm trong đầu ông í, ổng bảo đưa ông đi thăm Quảng Trị, ông mang theo một vali áo quần trẻ em mà ông nói là ông quyên góp từ “Rotary club”, đây là một câu lạc bộ xuyên quốc gia, có mặt trên hầu hết các nước Âu Mỹ và cũng hiện diện ở một vài nước châu Á. Thành viên câu lạc bộ là những con người tự gắn kết với nhau, giúp đỡ nhau và liên thông ý tưởng giúp đỡ cộng đồng những người nghèo khó! MF lúc đó cũng chỉ biết đến ngang đó. Sau khi đi thăm một số nông hộ, về nước, ông email cho MF rằng: ông đã nói về Quảng Trị tại câu lạc bộ, và mọi người đã quyên góp được 1 ngàn một trăm đô la, ông muốn MF giúp ông phát triển một chương trình lợn nái từ các nông hộ nhỏ ở một thôn, ông lí luận rằng: với số tiền nhỏ bé này, những con lợn nái sẽ đẻ ra những con lợn con, rồi cứ thế nhân lên sẽ giải quyết được phần nào khó khăn cho một vài nông hộ khó khăn nhất. Nói thật với các Quế, sau này có một lần MF tháp tùng ông đi thăm một làng miền núi của một tỉnh ở Trung Quốc, người dân ở đó ngó chừng nghèo khó hơn đồng bào Việt mình nhiều, hội phụ nữ ở đó gợi ý ông giúp đỡ, ông bảo mình nói cho họ nghe việc phát triển dự án “Rotary club” này ở Việt Nam, khi biết về số tiền có thể xin được, họ từ chối thẳng thừng: số tiền ít quá, chúng tôi không thể thực hiện dự án! Ấy vậy mà năm ấy MF vừa vì nể ông thầy, vừa vì thấy ít nhiều gì dân mình cũng có lợi, nên nhận lời. Thế rồi phụ nữ xã từ ấy xây dựng được một “câu lạc bộ lợn nái” (he he), ông già biết được vui ra mặt, sau đó ông đề nghị Rotary club giúp cho được thêm 2 thôn nữa! Và cách làm của hội Phụ nữ xã rất được lòng ông già, họ cho từng gia đình vay vốn, khi có lợn bán rồi lại chuyển vốn sang cho người khác (cách tính toán của người Scotland mà! Các Quế biết là hôm tháng 6, mafia xem một nhóm rap đường phố của thanh niên tại thành Vienna của Áo , sau khi nhảy xong chúng nó đặt những cái xô ra các góc khán giả đứng để quyên tiền, sau đó tên chủ băng cầm một cái nắp chai bỏ ra một góc, rồi nói “ còn cái này là dành cho người “Scotland”!”, ý nói mọi người đừng có mà keo kiệt đóo!)
Thế nhưng hôm nay khi dự buổi họp của họ, các Quế bít mafia nghĩ gì hông? Quan sát khách chủ lũ lượt tới dự họp, thành phần của họ đa số là người già về hưu, gậy chống khập khiễng, những nông dân nuôi bò sữa, những công nhân, những người thợ, những ông giáo trích ra thời gian bận rộn của mình, họ đến để ngóng chờ tin tức những đồng tiền ít ỏi của mình quyên góp hiệu quả ra sao, thông báo cho nhau nơi này nơi kia trên thế giới đang cần sự giúp đỡ…tuy nhiên buổi họp được điều hành rất trịnh trọng, các loại sổ sách rất nghiêm trang, chủ tọa cuộc họp điều hành bằng một cái chuông gõ như là ở tòa án vậy! Rồi góp tiền với nhau để ăn tối và nói chuyện vui vẻ. Trong tâm tư nhiều người, chắc hẳn những người chuyên làm việc từ thiện phải là những người nhiều tiền! May mà mình đến đây, tham dự buổi họp này mình mới thấy hết giá trị của sự giúp đỡ kia. Điều đáng nói là có những người nghèo vì thiếu chịu khó làm ăn, rồi cứ ngồi kêu nghèo khó cầu mong những đồng tiền trên trời rơi xuống, trong khi những người có tấm lòng từ thiện từ những xứ tưởng chừng giàu có này, họ cũng trằn lưng mửa mật để tìm kiếm những đồng xu (hôm ni mafia vừa đi thăm trang trại bò sữa, để rồi sẽ kể sau). Ông giáo của mình thường làm một việc mà ông gọi là “trò chơi buôn bán” của ổng: Khi đi ra các nước, ông thường tìm mua những món hàng lưu niệm nho nhỏ, ví như ở Việt Nam thì vòng đá, con cóc gỗ, hộp đựng nữ trang, tẩu thuốc…(về giá cả những thứ này ở Việt Nam, ông ấy cũng là giáo sư đối với MF luôn, ông ấy nói các bạn ở Viện chăn nuôi quốc gia dạy cho một câu “ôi giời ơi đắt quá.. á..”, thế là khi nào hỏi giá, chưa biết giá họ đưa ra đắt hay không, cứ nói đại câu này thì giá cả thế nào cũng hạ xuống ngay lập tức!), đem về 2 vợ chồng đưa những món hàng này vào chương trình gây quỹ từ thiện, bán tại chợ trời, nhà thờ hay ngay tại viện của ông giáo, sau khi lấy tiền lãi (lãi một thành năm, sáu lận), ông góp nó vào quỹ của câu lạc bộ! Còn ông có một nơi đóng góp thực sự khác là quỹ Orskov (Orskov foundation, vào mạng các Quế có thể biết về quỹ này, có thể các Quế cũng sử dụng được cho con cháu đó, vì đây là một quỹ từ thiện khoa học, do các nhà khoa học ở Anh thiết lập và lấy tên ông già đặt cho quỹ, mục đích của quỹ là giúp các sinh viên nghèo ở các nước đang phát triển có cơ hội tìm kinh phí đi lại để đi học nước ngoài, dự hội nghị khoa học nước ngoài hoặc phát triển những dự án khoa học nhỏ giúp dân nghèo!)
Trong buổi họp tại câu lạc bộ này, khách mời có một cô gái trẻ đại diện cho Rotary club từ Mỹ tới, sau khi cô ấy trình bày cho mọi người nghe về hoạt động của hội ở Mỹ, chủ tọa hỏi mọi người có bình luận hoặc hỏi gì không, ông giáo đưa ra bình luận đầu tiên: cô bé ơi, cô có thể bảo với người Mỹ rằng: cách làm từ thiện tốt nhất ấy là tránh những hậu quả của chiến tranh cho đồng loại như đã từng xảy ra ở Việt Nam được không? Đôi lúc tôi cảm thấy xấu hổ vì mình làm người da trắng đó!
Viết năm 2007
Quế mafia

TRUNG ĐÔNG DU KÝ

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: TRUNG ĐÔNG DU KÝ .:


Hội nghị trâu châu Á lần này được đăng cai tại thành phố Lahore, Pakistan. Miền Trung Đông đối với mình có một sự hấp dẫn kỳ bí đặc biệt trên sách vở, nên năm 2007 gặp nhau tại Hội nghị trâu toàn thế giới ở Italy, các nhà khoa học ở Lahore ngỏ lời mời, mafia ni nhận lời ngay.
Lịch hội nghị là 27 đến 30 tháng Mười, sau khi đã gửi báo cáo công trình nghiên cứu cho ban tổ chức, đang chuẩn bị đi thì ngày 15/10 nghe TV thông báo thành phố Lahore rúng động vì các vụ đánh bom tấn công cảnh sát. Mọi người đều lo ngại cho mafia, một số nhà KH các nước khác lo ngại gửi thư hỏi ban tổ chức, ông Giám đốc Đại học Thú Y và Chăn nuôi của miền Punjap phải đích thân viết một thư mời trang trọng tới các thành viên Hội Trâu Châu Á, trong thư bao gồm lời đảm bảo trách nhiệm về an ninh cho Hội nghị. Thấy mọi người lo lắng như vậy, mafia tiên phong viết một email trả lời (dĩ nhiên là forward cho tất cả mọi người trong địa chỉ chung của các thành viên), chi đơn giản trân trọng cám ơn lời mời và hỏi ông rằng thời tiết hiện tại ở Lahore như thế nào để chuẩn bị áo ấm! Các nhà KH khác thấy nhột, viết thư hỏi mafia, hỏi liệu đi có vấn đề gì không? Mafia nói cứ đi rồi biết! (he he) (phải kích cho chúng nó xí hổ mà đi chớ cớ gì thua cái con nhóc VN nì). Một ông giáo sư của mafia ở Anh lo ngại gọi điện cho mafia, bảo sao mày gan vậy? Mình nói: như ông đã biết, tôi là Việt Cộng con mà! Ông ấy cười ha hả, biết biết, thậm chí còn là một VC con rất dễ thương nữa cơ!(he he)
Việt Nam có 2 người, anh Thu ở Đại học Cần thơ sau một thời gian hỏi han cũng quyết tâm, ta đi đi! Xem thử các vị nước khác như thế nào!
Thế là mafia bay một mạch (có nghỉ) từ Huế đến Lahore trong ngày 25 tháng 10!
Khi phi hành đoàn thông báo máy bay đang đáp xuống Lahore, mafia có một cảm giác xốn xang, hồi hộp đến lạ, không giống một chuyến đi nước ngoài nào trước đây cả. Chiếc máy bay của Thai airway nhẹ nhàng đổ bánh và thong thả chạy trên sân băng (Vietnamairline đã cắt bỏ đường bay qua Pakistan vì lí do an ninh, chứ không thì mafia luôn trung thành với Vnairline).
Allama Iqbal International Airport,
Trường Đại học và ban tổ chức hội nghị ra đón đoàn, cùng đến một chuyến bay là 2 thành viên từ Philipin và Nhật bản. Họ đón lấy từng túi xách tay của mafia (làm mafia bối rối vì cứ đi tay không), các thủ tục hải quan họ cũng làm cho cả, rồi lên xe. Con đường từ sân bay về yên tĩnh và đẹp kỳ lạ, mìn cứ nghĩ sao mà họ giỏi vậy, cuốc sống đầy khó khăn nhưng họ vẫn trụ vững hơn ai. Tuy nhiên vẫn tò mò xem những gì sẽ xảy ra, việc đi lại của đoàn luôn chạy trước xe là một chiếc xe cảnh sát, không hụ còi ầm ĩ như ở ta, mà cửa sau xe mở, và các anh lính ngồi cầm chắc súng, mắt dõi nhanh nhẹn hai bên đường, dùng hiệu bằng tay để khống chế các xe khác không chạy vượt, chạy băng làn xe của khách. Dọc đường thỉnh thoảng là các chốt canh với các cảnh sát cẫn mẫn đi lại lúc nửa đêm!
Về đến đích cuối là khách sạn 5 sao Pearl Continental của Lahore (Đoàn của Mafia là khách mời ưu tiên, chứ đa số khách các nước ở các khách sạn khác)! Khi đang còn trong nước, thấy họ mời đến ở KS này, mafia có hơi nhột, chỉ vì trước đó khách sạn cùng tên ở Peshawar bị đánh bom! Tuy nhiên khi đến, mafia an tâm ngay vì đi vào đầu tiên là lớp cảnh sát kiểm tra xe, cổng vào họ gác các tấm chắn zic zắc nhằm chống việc xe đánh bom có thể lao thẳng vào cổng (tất cả các cổng trụ sở ở đó đều phải làm như vậy), sau đó là chó nghiệp vụ ngửi các hàng ghế tìm vũ khí (vụ này hơi vui khi sau này có một bữa sau buổi tiệc do Bộ Trưởng miền Punjap mời các thành viên nước ngoài trở về khách sạn, đến đoạn chó nghiệp vụ chúng thường không dừng lại lâu sau khi ngửi, nhưng hôm đó con chó vể lần chần, mấy vị khách già trên xe nói: lí do là vì mọi người đều có mùi thịt gà nướng! (món ăn chính bên đó, Đạo Hồi họ không ăn thịt heo)!!, Thế là mọi người cười ồ lên, đến mấy vị cảnh sát nghiêm nghị cũng không nín được cười, chú chó sau một hồi tần ngần thì hất đầu rồi nhảy ra khỏi xe, công nhận giỏi, chứ nó mà sủa một tiếng cũng mệt!)! Sau chó nghiệp vụ là 2 cổng kiểm soát an ninh giống ở sân bay! Cảnh sát đứng thành hàng quanh các hành lang khách sạn. Mỗi nhánh phòng khách sạn đều có một người đứng gác!
Sáng dậy, mafia trù tranh thủ ngày 26 chưa họp, đi thăm quan, nhưng ngó chừng tình hình không dễ đi, bạn thì nói nếu đi để họ bố trí người đem đi, nhưng ngại phiền nên lại thôi, thế là một ngày tiêu dao “for not thing”, nhưng mình lại có bạn mới, có thể nói là “người nâng giấc” cho mình, đó là nhân viên phục vụ phòng! Mỗi buổi sáng, bấm chuông xin vào phòng là một chàng đứng tuổi, dáng dấp cứng cáp và tự tin như người mẫu, với đôi mắt thẳm sâu tiêu biểu của miền Middle East này, đầy lịch lãm và phong nhã, chàng đến với những bông hồng tươi thắm trong tay, “for you…” chàng nhìn mình với nụ cười thu hút ẩn hiện sau bộ ria xứ sở đắc địa trên khuôn mặt rám nắng rắn rỏi, tỉ mẫn cắm hoa, rồi chàng xin phép dọn phòng buổi sáng, nếu mình OK, thì người cần mẫn dọn dẹp một cách điệu nghệ và nhanh chóng (chừng 15 phút). Điều này rất khác ở mọi nơi là chỉ dọn phòng khi khách đi ra ngoài.
Ca chiều là một thanh niên trắng trẻo (không thể nghĩ đó là người Pakistan nếu không phải là cũng một đôi mắt dịu dàng thẳm sâu), bấm chuông xin phép kiểm tra đồ dùng xem cần cung cấp gì thêm cho khách, xem xét có gì cần dọn dẹp là lại xin phép được dọn dẹp sắp xếp đến lúc mỹ mãn rồi đến trước mình mỉm cười hỏi xem mình đã vừa ý chưa, và dặn hễ khách có bất cứ nhu cầu gì xin cứ gọi. Bóng dáng của họ thường xuyên trên hành lang, hễ bước chân ra khỏi phòng là gặp ngay nụ cười và lời chào thân mến quan tâm! Mafia cảm thấy họ là nhà ngoại giao chứ không phải bồi phòng! Và mình luôn cảm giác được một sự êm đềm, chăm sóc một cách ấm áp thường xuyên, và sau đó là một sự an tâm cực độ (nói thật, mafia đi công tác, ở khách sạn, thỉnh thoảng sợ…ma). Mafia ngồi máy tính thường để ngỏ của phòng, thỉnh thoảng có bước chân nhẹ nhàng đi tới, “excuse me”, và một vài quả táo, một quả hồng hay những quả chuối vàng ruộm được nhàng đặt lên lẳng trái cây vẫn còn đầy trước mặt. (Khổ, mà mafia có ăn được mấy đâu). Đâu đâu cũng nụ cười thân thiện trên môi mọi người, kể cả cảnh sát, kể cả trong khách sạn hay ngoài khách sạn, người quen hay không quen!
Rồi đến ngày hội nghị, òa ra niềm vui gặp gỡ, rất khác cảm giác với các HN khác, kể cả HN trâu Châu Á năm 2006 ở Trung Quốc.
Sang đó, mình mặc đồ Việt (mafia rất nghiện “hàng VN chất lượng cao”), thành ra của hiếm, các nhà khoa học Pakistan và các sinh viên cứ lân la xúm xít làm quen, làm mình cũng …luôn phải nở nụ cười trên môi (về kể với Quế con, nó phán “hê, giống ngôi sao mới mọc quá ta?!!”)
Có vụ ấn tượng nhất đó là: Một buổi tối, trước khi mời cơm HN, Ban giám đốc trường ĐH đưa mọi người đi tham quan khuôn viên trường, trường này được thành lập từ 1802 (cùng năm vua Gia Long lên ngôi và khởi công xây dựng Kinh Thành Huế), thăm các phòng ban và lớp học. Có một lớp đang học ban đêm, một thầy giáo cao gầy đang thực hiện bài giảng, ban tổ chức đưa đoàn vào thăm lớp, mọi người cùng ngồi vào chụp ảnh để có được cảm giác mình đang là sinh viên của trường í! Xong rồi mọi người đi ra, mafia bắt tay các sinh viên và nói với thầy giáo“I am from Việt Nam” (các Quế cho phép mafia đưa cái bản mặt tồm tộm của mình làm đại diện nhé, vì HN này còn có anh Thu, chứ nhiều nơi mafia đi có một mình, họ cứ hỏi “are you from Japan? China? “, mặc dù mafia luôn mặc áo dài ở các buổi khai mạc và lên bục báo cáo), rồi đi ra, được một đoạn xa, đột ngột chú cảnh sát chạy theo kéo mafia lại, mọi người ngạc nhiên, nhưng chú ấy nói, thầy giáo trong lớp muốn gặp! Mafia ngỡ ngàng quay lại, khi cùng anh cảnh sát bước vào lớp, thầy giáo cao kều hô cả lớp đứng dậy, và chỉ vào mafia nói: “She is from Vietnam!!” Chỉ thế thôi, nhưng rồi cả lớp ùa xuống, vây quanh mafia đòi chụp ảnh! Trong thâm tâm, mafia nghĩ rằng có thể Việt Nam đã từng đi vào bài giảng của thầy giáo nì với lớp sinh viên nì!
Các chàng cảnh sát cũng vui lắm, sau đó họ cứ đến đòi chụp ảnh với mafia (hổng dám quên nhiệm vụ đâu), khi xong tiệc, lên xe về, họ còn đến tiễn tận xe và tranh thủ “phỏng vấn “: Chị thấy Pakistan thế nào? Cảnh sát Pakistan ra sao??" He, mafia khen cho họ sướng luôn: mẫn cán, dũng mãnh và đẹp giai!! Trên xe về mấy ông giáo sư nước khác nhấm nháy mafia: Hôm này mày có một ngày đặc biệt nhé! Mafia nói: mấy ngày ở đây tôi đều thấy đặc biệt mà!
Ngày thứ hai của Hội nghị, mafia lên kế hoạch chuồn HN đi thăm thành phố, gọi mấy đứa sinh viên dẫn đi cho đỡ phiền các vị giáo sư, rủ thêm người đi mà ít ai dám, kể cả anh Thu, cuối cùng chỉ có một chị người Sri-Lanka muốn đi mua sắm! Họ hỏi mafia muốn mua gì, ở đâu, mìn nói không có nhu cầu mua gì, chỉ đi để ghi vào ký ức văn hóa và cuộc sống của đất nước Pakistan mà thôi! Thế là một chiếc xe 15 chỗ của trường được bố trí đưa đi.
Điểm đầu tiên là chợ (trung tâm mua bán, ngày sau nghe vụ nổ bom ở chợ của Peshawar, mafia cũng ớn, vì chợ đó giống chợ này). Hàng hóa rực rỡ khắp nơi, dân xứ này thích màu sắc, nhất là đây là chợ cho phụ nữ là chủ yếu, nên toàn thấy phụ nữ và con gái đi mua sắm. Phụ nữ Pakistan đẹp tuyệt, mỗi người một vẻ, nhưng đẹp ấn tượng luôn, mafia hỏi tên sinh viên tháp tùng: Vậy sao Pakistan không tham dự thi hoa hậu, nó nói Đạo giáo không cho phép! Theo mafia, Phụ nữ Pakistan đẹp hơn Ấn độ! Và đẹp hơn cả là họ rất e thẹn, nhưng lại nhiệt tình. Không biết có phải mafia quá cảm tính mà luôn khen vậy không, nhưng thực sự là mìn không thể phàn nàn một điều gì và ấn tượng mạnh như một cú sốc tình cảm vậy!
Sau đó là thăm Lahore Fort (cung điện cổ của miền Punjap) và các nơi thánh địa ngày 28/10, và hơi lạ là ngày mafia đã đi thăm những nơi đó, Bà Hilary Clinton cũng đã đến cùng nơi nhưng mafia không biết (bà ấy đến buổi sáng, mình buổi chiều), có điều gì đó trùng lặp, mà đến giờ mafia mới nhận ra! Có 2 người phụ nữ, cùng quyết tâm đi đến miền Trung Đông. Cùng đi thăm một nơi chốn trong cùng ngày, nhưng có những điều khác biệt: một người có vị trí lớn trong thế giới chính trị, và một người không hề liên quan đến chính trị, một người đến để phát biểu những điều ghê gớm, còn một người chỉ để quan sát và ngẫm suy. Một người hòng làm đổi thay một thế thời lớn lao trong kỳ vọng thay đổi mối quan hệ Trung đông và đế chế, một người đến chỉ để nắm tay thân ái với bạn bè Pakistan. Một người Mỹ và một người Việt Nam! Bà Clinton có mặt ở Pakistan để thảo luận lo ngại của Mỹ về số lượng gia tăng các vụ tấn công, còn mafia tới để cùng nhau bàn nuôi con trâu như thế nào cho nhân dân đỡ đói. Ngày Mafia hạ cánh Lahore là 00h55 với một cảm giác hoàn toàn thanh bình đến ngạc nhiên, ông Talat Pashaha chủ tịch hội đồng trâu Châu Á và các giáo sư tiến sỹ và sinh viên ra đón hân hoan. Chắc chắn lực lượng đón Hilary sẽ hoàn toàn khác! Và hàng trăm con người đã chết cho cuộc đến thăm lịch sử của bà!Xin lỗi các Quế, mafia cho mình quyền tự cao tự đại sánh vai bên nhân vật khao khát quyền lực Hilary kia (tự đại vốn cũng là đặc tính truyền kiếp của bọn mafia, he he). Tuy nhiên mafia hơn bà ta ở chỗ mafia thấy rõ sự nỗ lực của nhân dân Pakistan trong việc thắt chặt an ninh và xây dựng cuộc sống khó khăn của mình, trong khi vẫn tràn trề tình nhân ái quốc tế. Bà ấy không nhận ra được vì bà ta sẽ cho rằng những chàng cảnh sát lăm lăm tay súng kia chỉ để bảo vệ một nhân vật quan trọng như bà, để tạo một không khí cho người Mỹ nghĩ là Pakistan đã nghe những gì Mỹ “dạy”!! Mafia hạnh phúc hơn bà ta là được quan sát mọi điều với con mắt của một người khách quốc tế bình thường, được chan hòa trong sự yêu mến, thân thiện bạn hữu đặc biệt của người Pakistan mà mafia từng biết khi gặp một vài trong số họ trước đây! Kể cả những chiến sỹ cảnh vệ, họ tự hào vì được mafia quan tâm đến họ (họ rất thích chụp ảnh với mafia và khoe với mọi người, thực ra, trong cuộc sống bình thường họ an phận!) Mafia ngứa tai khi nghe bà ấy chỉ trích chính quyền Pakistan là chưa làm đủ sức để tiêu diệt lực lượng Taliban.

...
Bạn bè Pakistan mong muốn bạn bè quốc tế kỳ vọng một cuộc sống an bình cho họ, các giáo sư bạn bè của mafia từ thành phố Peshawar tới, đã lẳng lặng ra về sau khi được tin vụ đánh bom tàn khốc nơi quê hương họ trong đêm đó, họ không chào ai vì lo ngại làm nao lòng bạn bè, sáng ngày đọc tờ POST được liệng qua khe cửa phòng khách sạn hàng ngày, mafia mới được tin, chạy đi tìm họ giữa hàng ngàn thành viên hội nghị để chia sẻ mà không thấy, về họ lên mạng báo cho mafia mới biết họ đã bay đi từ đêm! Cùng ngày báo đưa tin Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Pakistan bị bắn chết! Mafia thật sự cảm phục bạn bè Pakistan đã cố kìm lòng để xây dựng một không khí hoàn hảo cho hội nghị!
QUẾ MAFIA.

XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY - LÂU ĐÀI VÀ TRANG TRẠI

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY - LÂU ĐÀI VÀ TRANG TRẠI:

LÂU ĐÀI
Sáng thứ bảy hai vợ chồng ông giáo đến đưa cô trò và hai người bạn Indonesia đi thăm lâu đài cổ. Biết mình vẫn còn thèm rừng lá vàng, nên ông chọn những ngả đường vẫn còn vài vòm cây rực rỡ, cứ nó kia kìa, kia kìa…con đường ngoại ô chạy đến các lâu đài cổ như vẫn chiều chuộng một tên mafia lạc loài, ông già nói mùa này các lâu đài đóng cửa cả, nhưng lâu đài này hôm nay có dịp đặc biệt nên lại mở cửa, mình nói: để đón một tên mafia rồi! Ông già cười khơ khơ..ơ…

Bõ công ngày xưa làm Quế, đọc nát cả thư viện trường (các Quế có nhớ thầy Có mắt cận không? Mafia lúc í hay đến thư viện, lúc nào cũng thấy thầy ngồi ở chỗ thủ thư, cách nay sáu bảy năm, thầy cùng các thầy cô ghé thăm Huế, mình nói em nhớ thầy ngày xưa làm thư viện! Thầy nói không phải, vậy sao hồi í em toàn gặp thầy…thầy Đào Thu nói: ôi em không biết sao, thầy ấy kiên nhẫn ngồi bao năm ở đó mới cưới được vợ đóo… hóa ra thầy ngồi làm việc thế cho cô (cô gì mafia quên mất tên, vì chỉ ấn tượng hình ảnh thầy với cái lưng cong cong, đôi kính cận dày cộp nhướng lên nhướng xuống ghi sổ mà thui, thỉnh thoảng sách được ủ ấm trong tầng áo bông thầy không hề biết- he he, phương án chống bọn cờ đỏ thu sách đọc trong chăn khoét lỗ buổi trưa), những trang truyện thời xưa về những ông chúa đất với những lâu đài, những tiểu thư và các chàng công tử, những người chủ của trang nông tít tắp đến chân trời…những ảnh hình tưởng tượng ấy cứ âm âm hòa lẫn trong ký ức của Quế, đến lúc này mafia được thỏa nguyện trùng phùng.

Các thắng cảnh di tích các nơi, kể cả phương Tây, đều thường kèm theo các vệ tinh thương mại, mua bán đồ lưu niệm hay đại loại như vậy, nhiều lúc mình chỉ thèm một thắng cảnh Huế hay Đà lạt cất đi những vệ tinh đó để được trọn vẹn tìm kiếm những nét hoang sơ vốn có của di tích hình hài (tuy nhiên di sản là tài sản của nhân dân, nên ta phải chấp nhận nhân dân được quyền khai thác nó bằng mọi cách), điều này mafia được thỏa nguyện tại đây, lâu đài Crathes! Con đường ướt át trầm tư dường như còn vương bóng các công hầu lãnh chúa, những hàng cây lắng im như đã mấy trăm năm đứng đó với bao đời thịnh suy của chủ lâu đài. Không phải họ không có nơi bán đồ lưu niệm, nhưng nó nằm kín đáo ở một cấu trúc rất hài hòa trong toàn cảnh chung cổ kính của lâu đài. Theo chân cô hướng dẫn viên có choàng một dải băng thể hiện cái văn hóa độc đáo của “Scottist”, nụ cười luôn trên môi và nói nhanh như gió, đùa vui rằng xin lỗi vì tôi đã không có cơ hội học tiếng Việt, chúng ta cùng thăm thú bằng tiếng Anh vậy nhé, đây là…Mọi người đắm mình trong câu chuyện đã trải qua chừng dăm trăm năm, cùng thời kỳ với chúa Nguyễn ở ta vào Nam lập nghiệp, ông chúa đất xứ này đã gây dựng cơ nghiệp và xây lâu dài, những bài trí, những căn phòng rất sống động hồi giữ những ảnh hình cuộc sống trong tòa lâu đài ấy một thời. Những bức vẽ chân dung trên tường cùng với các vật dụng được giữ gìn cùng câu chuyện thầm thì từ cô gái làm người xem như đang sống về lại thế kỷ mười sáu kia, sinh hoạt của người ăn kẻ ở, vợ chồng, con cái, khách chủ, đồng áng và chiến tranh…Gia chủ của đền đài Crathes này để lại ảnh hình của một ông chúa oai phong mà chung thủy, chu đáo với người ăn kẻ ở, nghiêm khắc với gia phong và hiếu hảo với bạn bè…nói vậy là vì câu chuyện kể rằng ông chỉ có một vợ và sinh hai mươi mốt người con! Bà chúa xấu số sinh con từ năm mười bốn tuổi, đến năm bốn mươi tuổi khi sinh đứa con cuối cùng thì bà không vượt cạn nổi và đã ra đi. Nhưng trong phòng trẻ vẫn còn nguyên những chiếc ghế bé nhỏ, những góc sưởi ấm, những cái nôi và cái xa đan vải, câu chuyện tiếp tục thầm thỉ rằng bà ấy đã không mãi ra đi, bà tồn tại trong căn phòng và bí ẩn ru con, quay xa dệt vải, chăm sóc chồng… Ông chủ đã sống đến tuổi tám hai bên con cháu điều hành đồng áng, săn bắn và chiến chinh…Tòa lâu đài có một phòng rộng lớn trên lầu cao, mới bước vào mafia tưởng là phòng họp, tuy nhiên bàn chủ tọa dài một cách khác lạ với những vồ, những chuông…hóa ra là phòng xử án! Thật đáng danh là một chúa đất! Nghiêm minh trong cơ cuộc và gia đình đương nhiên là một phương thức tồn tại của chúa lãnh một vùng. Tuy nhiên trong phòng này không chỉ thế, cô hướng dẫn chỉ một vài dụng cụ nhỏ, hóa ra ngoài là phòng xử án, đây còn là nơi bọn trẻ chơi bóng lăn! Công cuộc giáo dục trẻ của gia đình còn hoài lưu trong những căn phòng gia sư và âm nhạc với những cây đàn cổ mandolin, piano…! Sự an ninh cũng thể hiện rõ bằng những thanh kiếm, những khẩu súng bắn đạn bột và những lỗ châu mai (không bít có phải gọi như vậy không, mafia bắt chước cách gọi của ta khi nói về các lô cốt, ở đây gọi như vậy có vẻ hơi…chỏi), góc nào của lâu đài cũng có những lỗ này. Trên tầng cao của lâu đài là những cánh cửa sổ có thể quan sát bao quát cả vùng đất bao la và thơ mộng, bên dưới là những bức vườn rực rỡ lá hoa.

Du khách bước ra khỏi tòa nhà với một tâm trạng hoàn toàn khác, khi bước vào ta chưa biết gì về tòa lâu đài nhưng người bước ra đã khác hơn sau khi học một bài học dài về lịch sử scottist một thời!

TRANG TRẠI

“Chiều nay trước khi trả lời phỏng vấn của Hội đồng Anh, ta sẽ đưa em đi thăm lướt qua trang trại của ta, chỉ xem trên xe thôi, vì thời gian hơi ít!” ok.

Trả lời câu phỏng vấn của Hội đồng Anh: bạn thu thập được điều gì cho công cuộc hợp tác và cho bản thân qua cuộc viếng thăm này? Trả lời: việc hợp tác chỉ mới bắt đầu, thời gian đi thăm thì ngắn, nhưng hiệu quả chắc chắn thấy rõ trong tương lai gần vì tiền thân của mối hợp tác này là mối quan hệ bền vững giữa các nhà khoa học của các nước, cũng như lịch sử của mối quan hệ này và những gì dự án và các vị tiền bối đã làm được trước kia! Bản thân thì…chiếc xe nhỏ của ông giáo phăm phăm tiến về miền xa ngoại ô, rẽ vào những con đường làng lãng mạn với những hàng cây đã trơ cành chờ mùa đông, nhưng vẫn nuối tiếc đôi chùm lá vàng nâu đây đó… Đột nhiên, một vùng “cỏ non xanh tận chân trời” hiện ra trước mắt… ôi đẹp quá..á..!! - Đồng cỏ của ta đó! Nghe ông già nói nhiều lần về trang trại của ông rồi, giờ mafia mới tận mắt thấy! Ông già vốn gốc người Đan Mạch, lớn lên trong một gia đình đông con có nghề chăn nuôi bò sữa. Ông kể rằng khi lớn lên con đường học hành của ông không thuận lợi, rồi ông đi lính, rời quân ngũ về ông vào trường Đại học, ông tốt nghiệp Đại học Copenhagen hạng ưu tú, hãng bia Carberg đã cấp học bổng cho ông trong những năm học vì thành tích học tập, khi ông nhận bằng tốt nghiệp, hãng bia này đã treo một băng rôn thật lớn trên sân khấu để quảng cáo cho thành tựu sản xuất và hoạt động xã hội của mình (bởi vậy đi xứ nào có bia Carberg là ông cụ chỉ uống loại này, riêng ở Việt Nam cụ nói khoái bia Việt Nam hơn nên ở Sài Gòn thì uống 333, Hà Nội thì Halida và Huế thì “only Huda”, ông già cũng khôn, vì Halida và Huda đều là công nghệ của Đan Mạch mà!!) Sau đó ông sang Anh làm Tiến sỹ, và ở lại Anh giảng dạy, các viện nghiên cứu miền Scott đã mê tài ông già nên mời về đây, thế là ông về và tậu một ngôi nhà cùng trang trại mà mafia đang đến! Ông biết mafia thích những cuộc như thế này lắm nên cho xe chạy băng băng trên đồng cỏ xanh non mượt mà như không hề biết đến xứ sở đang lạnh giá như thế nào! Rồi ông dừng xe, hô mafia xuống! Mafia ngơ ngẩn dạo bộ trên bạt ngàn cỏ xanh dưới ánh nắng nhạt nhòa và gió thu lạnh buốt, tự nhiên nhớ tới bài học văn “cỏ non” của Hồ Phương thủa làm HSMN (he, bởi zậy mấy đại ca Trỗi nói mafia đại diện cho bác Hồ Giáo cũng phải, mặc dù nhà văn Hồ Phương không định tả về bác nì).

Ông già nói rằng hàng năm ông thả vài trăm con bò trên đồng cỏ ấy, đàn bò cứ thế lớn lên không cần ai chăm sóc chăn giữ cả, rồi chúng ra đi vào mùa thu, lợi nhuận này ông đóng góp thêm vào Quỹ “Orskov Foundation”. Vào mùa này bò không có, ông để đồng cỏ cho một nông dân nuôi bò sữa thuê, người đó sẽ cắt cỏ về ủ cho đàn bò sữa nhà mình! Có muốn đi thăm trang trại bò sữa ấy không? Sao không? Đi! Chiếc xe trắng nhỏ lại lăn nhanh qua những trảng cỏ mềm để về thăm trang trại bò sữa. Đỗ xe trước một dãy nhà có đàn “cô gái Hà Lan” đang ăn bữa rào rào (tên thiệt của chúng là Holstein), những chiếc xe xúc, những dãy nhà dự trữ cỏ khô cao ngất, những ngọn đồi nhỏ được tạo nên bởi cỏ tươi ủ…không khí rộn ràng của một trang trại vừa thô sơ vừa công nghiệp! Một chiếc xe cẩu tiến đến, ông giáo ra huơ tay chào “Hello”, chiếc xe cao lớn dừng lại, và một …ông già râu trắng như cước trong bộ đồ bảo hộ bước xuống xe! Một khuôn mặt hồng hào rắn rỏi và nụ cười tươi rói! Ta đem đến cho ông một người khách tận Việt Nam đây, hắn muốn thăm đàn bò của ông đó! Ok, xin mời- Đàn bò có bao nhiêu con? Bò sữa trên hai trăm con, còn khoảng vài trăm bò thịt và và bò giống! Ông có bao nhiêu người làm? Đâu có, chỉ mình tôi và con trai phụ giúp!! Híc, có lần mafia được các bạn Trung Quốc ở Quảng Tây đưa đi thăm một trang trại trâu sữa mà họ cho là niềm tự hào của chính quyền tỉnh nhà, vài trăm con trâu sữa, trên chục người làm, mafia đã trầm trồ về việc bố trí lao động của họ rồi, chừng nớ bên mình phải dăm chục người lao động và người canh người lao động ấy chứ nhỉ?
Viết 2007
QUẾ MAFIA

CHIẾN CÔNG CỦA LIÊN MINH TRỖI - BÉ ( tường thuật bằng hình ảnh)

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: CHIẾN CÔNG CỦA LIÊN MINH TRỖI - BÉ . ( tường thuật...:

CHIẾN CÔNG CỦA LIÊN MINH TRỖI - BÉ . ( tường thuật bằng hình ảnh )


H.1
Vừa đặt chân lên xứ SÀI , thầy trò MAFIA đã bị " ĐỘI ĐẶC NHIỆM QUẾ SÀI " bám sát ...

H.2
QUẾ đệ sân bay tiếp cận ...

H.3
... bắt gọn MAFIA và ...

H.4
... giao cho các QUẾ SÀI " canh giữ "


H.5 - H.6
Tang vật MAFIA mang đến xứ SÀI .





H .7-8-9-10-11 .
HỘI ĐỒNG XÉT XỬ làm việc căng thẳng .


H.12 - H.13
Quan tòa cũng phải nạp năng lượng

H.14
MAFIA gọi điện cho người thân là đại ca K6LS ( mời K6LS đến nhận trâu ) và đại ca THANH MINH (đến học hỏi kinh nghiệm nuôi trâu ), mục đích để chứng tỏ nhân thân tốt .

H.15
MAMA đại tổng quản trả lời phỏng vấn các nhà báo về cách " xử lý MAFIA "

H.16
Các ÚT QUẾ cùng mama đại tổng quản AMK3 ( anh MINH - TRỖI K3 )chúc mừng kết thúc thắng lợi " VỤ ÁN MAFIA "

Được đăng bởi Quế Lâm lúc 15:40
Phản ứng:

Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên TwitterChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest

Nhãn: N.H QUE, Q.MF


67 nhận xét:


Nặc danh19:43:00 01-12-2009

May mà tui không tới nhận trâu . Nếu không thì cũng bị khép vào tội " thảm sát những máy cày thời cổ " . Cơ quan điều tra cũng bỏ qua cú phone của MF tới tui . Hết hồn !!!! Dính vụ này là tù chung thân + 12 . Lạng sơn đang rét mà tui thấy " nọng trong ngươi quạ " . Xin lỗi vì đã pha tiếng . Các cụ biết thì mắng cho chết .
K6LSTrả lờiXóa



Nặc danh21:46:00 01-12-2009

Trông giống hối lộ quá. Bồi thẩm đoàn ký lệnh tại bàn nhậu!
Trong hình cuối thấy rõ : kẻ "chủ mưu" quay đi để tránh mặt dư luận (?)
Lần sau, yêu cầu phải xét xử công khai, có mời quần chúng chứng giám thì dư luận mới "tha"!

HMK6Trả lờiXóa



Quế Lâm22:41:00 01-12-2009

Thấy rụ W MF xách tay zìa chiu đãi đội Quế Sài mà thềm qué. Lại cha Tgtb nào rứa hé? Rụ Ư sao hai tỉ hổng gọi tam muội để muội ấy thẩm định hàng xịn xách do tay MF, nhị cô nương thì ngửi hơi rụ W chắc say cả ...tuần.Trả lờiXóa



AMk313:47:00 02-12-2009

Khổ tui quá! Coi bộ vậy mà mấy Quế lại kêu là Ma Ma...còn Đại TQ nữa!
Các Đại TQ đều ở phía Bắc cả, chỉ có tui là tiểu TQ ở MN. Ah! mà may là còn có "bantbe" được ủng hộ nhều nên đôi khi cũng nhớ mìn là TQ Trả lờiXóa



Quế Lâm17:38:00 02-12-2009

hé hé , tgtb hôm wa đến chừ thèm rỏ dãi khi thấy mấy chai W của MAFIA vừa tức anh ách khi thấy thương hiệu của mình hết độc quyền .Bật mí chút nha , hôm đó đại ca HỒ BÁ ĐẠT (người cùng thương hịu đóo )có hỏi thăm tgtb ( tgtb cũng nổi tiếng giữ ha ).Tỉ nói với đại ca ĐẠT là tgtb ở ngoài ĐN và cảm thán với đại ca ĐẠT là tgtb bên các đại ca TRỖI hơi bị nhìu .Trả lờiXóa



Quế Lâm17:41:00 02-12-2009

AMK3 ui , các QUẾ nữ thịnh nam suy nên wen mắt mất rùi . Đại ca chịu khó nhận chức danh mới thui .Trả lờiXóa



Nặc danh18:18:00 02-12-2009

Nghe tgtb bênh các Trỗi nhiều , bỗng dưng ... thấy quan trọng à nha . Có người bênh rồi hổng sợ ai nha ...
K6LSTrả lờiXóa



Quế Lâm20:20:00 02-12-2009

Nhìn tang vật mà đọi Quế Sài "tịch thu" của MF so zới qui định của PL Vn Rụ mạnh xách tay được qua cửa khẩu tối đa là 2lít (cũ, mới có thay dổi zì hông?) tổng số 3 ze thì chắc cũng đủ cơ số mất rùi. Định đột nhập tận sào huyệt của MF để kiếm tí hơi W làm "nọng người" nhưng kiểu này thì chắc "móm". Hy zọng là MF phát huy tinh thần MF mà dấu HQ được ze W nào lọt CK, nhưng cũng khó hy zọng lọt cửa các Quế Sài...tuyệt zọng rùi.Trả lờiXóa



Quế Lâm13:30:00 03-12-2009

Hôm wa đến chừ , đọc com của đại ca K6LS mà chả hỉu ra làm sao !!! Tgtb bênh TRỖI hồi nào zậy , lại còn bênh nhìu nữa chứ ??? Đại ca K6LS khoái chí vì có người bênh nên hùng hồn tuyên bố :" hổng sợ ai nha " .
Hôm nay coi lại mới hiểu cớ sự zì sao lại có chuyện QUẾ tgtb tốt bụng đột xuất zậy .
Đại ca K6LS ui , bé cái nhầm rùi nha , chuyến này phải soi đai ca bằng dàn đèn của sân MỸ ĐÌNH thui . QUẾ nói với đại ca ĐẠT là BÊN TRỖI ( không phải BÊNH TRỖI)có nhìu tgtb ( nhìu hơn bên QUẾ ) . Gìơ mới thấy thấm câu : nhất tự vi sư , bán tự vi sư . He he he ( pể pụng rùi )Trả lờiXóa



Nặc danh14:44:00 03-12-2009

Hóa ra dzậy mà hổng phải dzậy . Soi nhau bằng dàn đèn sân Mỹ Đình thì tui cũng như các Quế ai mà hổng dính chớ . Dưng mà các Quế lần sau phải sử dụng ngôn ngữ theo cách khác . Ai lại mang nick của một người khác để nói về một vấn đề khác . Hiểu lầm là phải thôi . Cũng như nói theo cách : Bỗng dưng muốn khóc và bụi bay vào mắt đều thể hiện chuyện của con cá sấu , nhưng dùng danh từ như động từ dễ làm sai lệch sự việc . Đến đây tui cũng đang cười pể pụng nha .
K6LSTrả lờiXóa



Nặc danh18:00:00 03-12-2009

Câu chuyện kể thật hấp dẫn và vui nhộn . Quế MF cười rất tươi khi bị " túm " . ???
K6LSTrả lờiXóa



Quế Lâm20:52:00 03-12-2009

Quế Ráo nói "bên Trỗi" chưa kịp hỉu mô tê thì "bọ Trỗi" lại nói "bênh Trỗi" làm chính bọ tịt hẵn. "Bênh vực' thì hổng phải rùi, đâu dám, bên đó toàn đại ca, tỉ tỉ; chắc là "bên cạnh" vì Tgtb cũng có quen vài Trỗi, nhưng như thế thì cũng chẳng có nghĩa gì cả. Quế ráo lại phải chỉ giáo là "bên ây" thì mới sáng zạ ra, tỉ ráo ơi là tỉ ráo ơi. Dễ cho mấy lít a-xít...về thí nghiệm quá đi, "nọng" trong người qué rùi.Trả lờiXóa



Nặc danh08:34:00 04-12-2009

- Có AMK3 mà sao để chụp ngược sáng nhiều qúa Zậy?
- Báo chí hiện ta thán nhiều vì chuyện các vụ án kinh tế bị "hình sự hóa". Theo tôi đây đơn thuần chỉ là án KT. Thân chủ tôi "buôn rượu lậu" mà bị "FBI Việt nam" áp giải thì hơi quá.
TMTrả lờiXóa



quynh11:40:00 04-12-2009

Nhiều chuyện hay quá mà hôm nay mình mới đọc. Trong hình thấy ai cũng lạ. Chác dân trường Trỗi phải không? Từ hồi học bên Quế Lâm tới giờ vậy mà cũng gần bốn, năm chục năm rồi còn gì? Ai cũng gìa cảTrả lờiXóa



Nặc danh14:28:00 04-12-2009

Nọng trong ngươi quạ . Giá thông báo sớm cho tui và giao nhiệm vụ rõ ràng thì tui bắt Quế MF gọn hơn nhiều . Chắc chắn Quế MF bi giờ đã bị còng tay rồi . Tội này bên Mỹ năm 1930 bị xử lý nghiêm lắm à nha . Thôi , chờ khi nào MF mãn hạn ta lại tính chuyện bắt tiếp ha .
K6LSTrả lờiXóa



Hồ Như Nguyện18:18:00 04-12-2009

@ Quỳnh;Mình đuổi theo bạn từ "Tôi đi tìm bạn tôi"đến "Chiến công của liên minh Trỗi Bé"đứt cả dép đấy.Xin cho hỏi bạn ở Vĩnh yên lúc học lớp mấy?Quý danh luôn.Hân hạnh làm quen và cám ơn trướcTrả lờiXóa



Quế Lâm18:50:00 04-12-2009

Đại đại tỉ HNN ui , các đệ muội trông tỉ tỉ như trời hạn trông mưa .Hôm đi bắt MF , muội nói với đại ca AMK3 là không bít sao các tỉ ca biến mất , hay tại lũ ÚT QUẾ wậy wá ??? Cuối cùng tỉ cũng dzề rùi .Các QUẾ sướng âm ỉ . Tỉ đừng tàng hình nữa nha tỉ .
NHQUẾ .Trả lờiXóa



Quế Lâm19:57:00 04-12-2009

tgtb nó thèm diệu W nên cũng chậm hỉu wá chừng chừng. Gì chớ axít thì tỉ ráo sẵn sàng cho . Sắp tết dương lịch rùi , đệ lo xong wà cho công nhân chưa hay lại an ủi nhau : ai thèm eng tết tây !!! hé .Trả lờiXóa



Quế Lâm10:46:00 05-12-2009

Tưởng Quế Ráo chỉ biết lũ học trò, hóa ra cũng tinh thần ...quan tâm tới rai cấp công nhơn gớm hỉ. Cám ơn sự quan tâm (hay nhắc nhở) của Quế Ráo.Quế Ráo còn nhớ cảm giác hồi ở "bển" sau giờ ngủ trưa dây bọn mình tập họp chờ cô (má) bảo mẫu phát cho một trong các món: lê, táo, hồng, bánh kẹo...và rồi nhấm nháp thưởng thức phần quà được phát (hình như là một tuần được 2 lần, mà cũng chỉ cấp 1 thui). Ôi sao mà hạnh phúc thế!
Công nhân bây giờ họ cũng chờ mình giống như ngày xưa mình chờ nên phải cố thôi.Vẫn là DNNN nên mọi người là các ông chủ làm thuê Nhà nước. Nghe kỳ không? Nhưng thực tế nó là thế đấy Quế Ráo ạ. Cám ơn Quế Ráo đã nhắc nhở.Trả lờiXóa



Quế Lâm11:54:00 05-12-2009

Ráo chia xẻ nỗi lo với tgtb mừ . Ráo có cô bạn làm chủ 1 doanh nghiệp nho nhỏ , cô ấy nói : sợ vô cùng các ngày lễ tết .Hix .
Còn ráo khoái zô cùng mấy ngày đó vì được ... nghỉ , chứ wà thì giống mỗi sáng chủ nhật ở " bển " đó . Nhớ wà gì không ???Trả lờiXóa



Hồ Như Nguyện14:33:00 05-12-2009

@NHQUẾ:Ngày 9/9/2008 là ngày mình chính thức ra mắt blog bantbe nên có ý muốn nhóm họp các cộng tác viên vào dúng ngày 9/9/2009 nhưng do bận việc đành phải chờ dịp khác.Bây giờ năm sắp hết,Tết gần đến,mình chân thành mời gọi các QUẾ cùng nhau gặp gỡ cuối năm để trước hết là nhận anh nhận em sau đó là chén tạc chén thù bàn phương hướng mở rộng trang "bantbe".Đây là lời bỏ nhỏ,mình sẽ có nhời trân trọng với đầy dủ thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm sau.Các QUẾ tham gia nha.Trả lờiXóa



Quế Lâm15:04:00 05-12-2009

trùi ui , chén tạc chén thù là Quế có mẹc ngay , bi chừ cũng đặng mừTrả lờiXóa



Nặc danh16:23:00 05-12-2009

Nghe thấy khua mâm khua bát là tui cũng thấy ... nóng trong người rồi nha . Bên uttroi cũng muốn hợp tác với các Quế để bàn phương án này đó .
K6LSTrả lờiXóa



Quế Lâm22:03:00 05-12-2009

Tui nhớ ở cấp 2 cũng được quà xế mà, lớp phó vật chất đi nhận về chia, tui vẫn nhớ lúc thì táo, hồng, lúc thì dưa hấu mà( khác ở cấp 1 là không đều thôi)...tgtb wuen rùi à?Trả lờiXóa



Quế Lâm18:22:00 06-12-2009

Đại tỉ HNN ui , 20/12 tới đây có cuộc gặp mặt HSMN tại nhà nghỉ CÔNG ĐOÀN - THANH ĐA lúc 9h sáng . Tỉ xem có thể thu xếp đến tham dự cho dzui. Tỉ muội gặp nhau bàn kế hoạch cho cuộc dzui kế tiếp . 13/12 tỉ có ra Hà Nội không ? Muội không thu xếp được vì tuần kế học trò thi HKI . Hẹn gặp tỉ ở THANH ĐA nhé .
NH.QUẾTrả lờiXóa



Quế Lâm18:39:00 06-12-2009

@ quynh : Không nhận ra em sao ? Phải rùi , tỉ muội mình xa nhau khi tỉ học lớp 6 , muội học lớp 2 ,41 năm xa nhau rồi đó tỉ . Muội vẫn nhớ ngày đó tỉ đẹp có tiếng mà , muội rất hãnh diện với lũ bạn là có chị đẹp đến thế . Chưa thu xếp đến nhà tỉ được , bữa nào muội sẽ đột kích BK gặp tỉ nha .
N.HTrả lờiXóa



Hồ Như Nguyện10:58:00 07-12-2009

@Quynh:Mai Nhuận đúng không?Ng.thương Nh.như ngày xưa.Trả lờiXóa



quynh17:57:00 09-12-2009

Đúng rồi. MNh. đấy. Lâu qúa tụi mình không gặp nhau còn gì. Lúc này Nh. đã nghỉ hưu gần được hai năm rồi, nhưng vẫn còn hợp đồng làm thêm, đến tháng 3/2010 sẽ chấm dứt hợp đồng. Không biết sẽ làm gì đây. Nh. vẫn còn nhớ những kỷ niệm xưa rất xưa Nguyện ạTrả lờiXóa



quynh18:07:00 09-12-2009

Nguyệt Hồng, chị mới hay tin em qua chị Nguyện, nay hai chị em mình lại được liên lạc với nhau qua trang blog này, vui qúa. Lúc nào rãnh cứ việc đột kích đến BK chơi. Không nói trước xem ai nhận ra ai trước nhé.Trả lờiXóa



Nặc danh19:57:00 13-12-2009

Thông báo : Quế MF bị tóm cổ tại nhà riêng ( sào huyệt ) . Chúng ta cùng chờ cơ quan Pháp luật xử lý ra sao .
K6LSTrả lờiXóa



Quế10:06:00 16-12-2009

Không hiểu??? a K6LS nói chi, ai tóm MF? ở xa thế mà bít MF bị tóm, hay là chính tên ni?...khai ra đi...Trả lờiXóa



Quế Lâm19:59:00 16-12-2009

Sang ÚT TRỖI là hỉu liền !!!!Trả lờiXóa



Quế Lâm19:44:00 17-12-2009

Tháy rùi, MF chạy ra bị bắt quả tang chưa đánh răng...he...Trả lờiXóa



Quế Lâm06:23:00 18-12-2009

@Quế Lâm: Ngừi ta đã nói là ngủ ngày rùi mừ, hic!
MFTrả lờiXóa



Phú Hòa23:22:00 18-12-2009

Các Quế ơi, ông đeo kính là ai đó, anh nhìn quen mặt quá mà không nhớ được ra là ai và đã gặp ở đâu rồi. Quế cho anh biết tên ông đó được không?Trả lờiXóa



Quế Lâm07:44:00 19-12-2009

@Phú Hòa: có 2 "ông" đeo kính, một "ô" là Quế đệ Sân bay Lê Cảnh Sơn, một "ô" là "tên học trò lớ ngớ" của MF, đại ca mún hỏi "ông" nào?Trả lờiXóa



Quế Lâm07:59:00 19-12-2009

Anh PHÚ HOÀ ui , có tới 2 " ông " đeo kính lận ." Ông " trẻ hơn , ốm hơn là học trò của MAFIA . Chắc anh hỏi " ông " già hơn , là ông đang gắp 1 gắp mì bự chà bá phải hông ? Anh thấy " ổng " wen mặt là phải vì đã chộ nhau ở " MẮT VÀNG " , anh quên rùi sao ??? " Ông " đó là CẢNH SƠN , nó thuộc loại ÚT QUẾ 2 , cầm tinh con trâu .Trả lờiXóa



Quế Lâm08:02:00 19-12-2009

Hé hé , anh PHÚ HOÀ ui . Có khi anh bị nó chặt đẹp khi ăn uống tại sân bay TSN rùi . Nic của nó là QUẾ ĐỆ SÂN BAY đóo .Trả lờiXóa



Phú Hòa15:05:00 19-12-2009

Cám ơn các Quế nhé. Thế mới biết là anh già rùi nên lẩn thẩn, hay quên. Đúng là anh muốn hỏi về Lê Cảnh Sơn.Các Quế viết thì anh mới nhớ là đã gặp Sơn ở Đôi khi Vàng cả mắt rùi. Các quán ở sân bay TSN đều chặt đẹp như nhau mà, có tha ai đâu ( chắc các Quế cũng chịu số phận chung như mọi người thôi, hì hì ). Anh hẹn gặp lại các Quế ở SG vào tháng 1.2010 và chắc chắn là sẽ hát bù các các Quế nghe bài " Vì đó là em " mà hôm họp trường chưa có điều kiện.
Y Nguyên ( Trỗi ) mà Dạt K.8 biết không phải là Y Nguyên trường Dân Tộc ở Quế Lâm mà anh muốn tìm đâu. Hồi ở trường Dân Tộc ( một bộ phận của Trường Bé ) thì Y Nguyên còn có tên là Hải Thông, rất đẹp trai, to cao và thường được các chị em để ý.Trả lờiXóa



Phú Hòa15:08:00 19-12-2009

À, rất tiếc là hồi đến làm việc với UBND tỉnh Đắ Lắc thì anh không biết anh Hoàng, chủ tịch tỉnh cũng là dân Trường Bé để tâm sự ngoài lề cho vui. Giám đốc hotel Saigon - Dalat cũng là dân Trường Bé đó nhưng anh quên tên rùi.Trả lờiXóa



Quế Lâm19:24:00 19-12-2009

@Phú Hòa: ai nói với đại ca là trường dân tộc là một bộ phận của trường Bé? Họ là trường Dân Tộc Miền Nam, nói là một bộ phận HSMN thì còn được, còn trường Bé thì không phải rùi! Cho nên mấy giám đốc của đại ca coi chừng có phải trường Bé không nha? Chứ tụi Quế đến ở cấm có bao giờ họ giảm giá!! Zậy cho nên Quế đệ sân bay nó có chém chặt gì các đại ca cũng thứ lỗi cho hắn, mưu sinh mừ!Trả lờiXóa



Phú Hòa20:12:00 19-12-2009

Quế ơi, cũng may mà mỗi lần chờ máy anh thì anh đều được cấp cái phiếu "nhậu nhẹt" free nên chưa phải giơ cổ cò cho họ chém.
Giám đốc hotel SG-ĐL là người vùng biển nên chắc không phải dân tộc đâu, chắc là dân HSMN rồi nhưng tất nhiên quen thân hay lạ thì vô đó cũng rứa thôi vì " mưu sinh " mà.
Trường DTMN có qua Quế Lâm không vì anh quen Y Nguyên hồi ở Quế Lâm mà.Trả lờiXóa



Quế Lâm23:56:00 19-12-2009

@Phú Hòa: Thì Quế có nói là họ không wa Quế Lâm đâu, chỉ nói là họ không phải trường Bé thui mừ!Trả lờiXóa



Quế Lâm17:33:00 21-12-2009

Anh Phú Hoà ui , mọi wán ở sân bay TSN đều cùng 1 mối của Quế đệ Sân bay ( nick đúng của nó là Quế Điệu ) , nên nó lê máy chém đi khắp sân bay , nó đặt tất cả khách hàng ngoài vòng phép lậc đó , anh nên bảo trọng . Chém đúng ngừi wen là nó sướng lắm đóTrả lờiXóa



Phú Hòa20:03:00 21-12-2009

Quế ơi, việc " chém " thì cũng bình thường thôi vì ở sân bay quốc tế nào ở bên này cũng vậy, giá đắt gấp 3 - 4 thậm chí hơn nữa so với giá ngoài đời thường. Một điều mà anh nhận thấy rằng tuy giá một ly cafe ở sân bay TSN cao nhất ngưỡng nhưng khi uống thì nó chỉ đặc hơn chè vối một chút thôi. Chém thế mới gọi là cao thủ. Quế Điệu chắc không xài loại cafe này bao giờ nên không biết để sửa gáy lính của mình.Trả lờiXóa



Quế Lâm12:26:00 22-12-2009

OI GIOI OI,HOM NAY MOI DOC COMMENT CUA CAC DAI CA TROI CUOI MUON VO BUNG LUON,OAN CHO THANG EM NAY QUA ,DO LA TAN DU TU THOI ANH PHAM HOANG HA DE LAI MA,EM UT CUNG MONG KIEM IT DE DEN TET CON DI LI XI CON CHAU MINH hi hi hiTrả lờiXóa



Quế Lâm14:43:00 22-12-2009

Quế Phú Hòa nghe giọng hình như đang ở bên trời Tây? Anh rútquân khỏi QL năm nào rứa?Trả lờiXóa



Phú Hòa16:37:00 22-12-2009

@Quế Lâm : anh sống ở Séc 30 năm rồi và rời Quế Lâm hè 1978 vì là Trỗi K.4 mà.Trả lờiXóa



Quế Lâm17:04:00 22-12-2009

Trời , đại ca PHÚ HOÀ cư ngụ xứ QUẾ lâu dzữ zạ . QUẾ rút hết quân năm 1975 .Trả lờiXóa



Quế Lâm17:27:00 22-12-2009

Ê , Quế Điệu , viết không dấu , dịch phát khùng , coi chừng cái thân 20cm rộng , 10 thước cao của ông đó ngheTrả lờiXóa



Phú Hòa18:22:00 22-12-2009

@Quế : sorry. Bọn anh rời Quế Lâm về VN hồi hé 1968 chứ không phải là 1978 đâu. Già rùi nên nhiều khi lẩn thẩn.Trả lờiXóa



Quế Lâm19:00:00 22-12-2009

chắc anh PH lại phải sorry nữa rùi , vì anh nói anh rời QL hồi HÉ là cái hồi chi ? , Quế chưa hỉu . HihiTrả lờiXóa



Phú Hòa20:42:00 22-12-2009

@Quế cứ chọc anh hoài zậy? MÙA HÈ 1968, sau khi học hết lớp 9..Trả lờiXóa



Quế lâm21:05:00 22-12-2009

Hồi bển bọn e chỉ học hết 7 là về nước, bọn anh học gần hết cấp 3 ở bển à?bọn anh rút trước khi hết cấp 3 vì Bác Hồ bảo thế à?Trả lờiXóa



Phú Hòa21:35:00 22-12-2009

Mèng ơi, ai biểu thì bọn anh nỏ biết. Nhận được lệnh là ba lô lên đường thôi. Nếu mà hè năm đó bọn anh không đi huấn luyện ở Trường Quân Chính Tả Ngạn thì làm sao bọn anh có thể ngày đêm tham gia đắp đê chống lụt tại Chí Linh - Hải Dương như những người lính thực thụ được. Tại blog bantroi đã có bài viết về việc đó rùi.Trả lờiXóa



Quế Lâm21:41:00 22-12-2009

Ơ thế các anh lúc đó giống như bộ đội thật à . QUẾ tưởng các đại ca chỉ mặc đồ bộ đội thôi , kỷ luật thì hơn QUẾ 1 tí ti thui . Vì QUẾ thấy trò gì QUẾ có thì các đại ca có tuốt , thậm chí còn cao hơn vài phần công lực .Trả lờiXóa



Phú Hòa22:00:00 22-12-2009

Dạ, hồi đó bọn anh cũng giống như bộ đội thực thụ chỉ khác ở điểm là hàng năm được về nhà " nhõng nhẽo " cha mẹ một lần.Trả lờiXóa



Quế Lâm23:01:00 22-12-2009

Sướng hén, bọn Quế thì 9, 10 năm liền không được "nhõng nhẽo" ai hết trọi á...Trả lờiXóa



Phú Hòa00:24:00 23-12-2009

Vì hồi đó các Quế không được " nhõng nhẽo " ai cả nên giờ bắt ông xã của mình " trả nợ " ha.Trả lờiXóa



Quế Lâm07:26:00 23-12-2009

Quên hết cách nhõng nhẽo rùi , anh PH ơi , toàn kiểu cá mè 1 lứa thuiTrả lờiXóa



Quế Lâm13:08:00 23-12-2009

Từ bi đại hỉ xả đi,các quế bắt bẻ từng li từng tí thì ai dám viết chuyện cho các Quế đọc nữa.Với lại hở tý lại đòi xử thì mấy bác trường Trỗi đánh giá thế nào đây về các Quế chị quế em trường Bé. Ngoài thì ai cũng đẹp và nhu mì vậy mà khi không biết danh tánh các Quế dữ quá. Thiện tai ,thiện taiTrả lờiXóa



Quế Lâm14:48:00 23-12-2009

Dzậy nên có mấy tên QUẾ dám ló mẹc ra đâu dù các đại ca phê bình góp ý miết . Công nhận chỉ mấy QUẾ dám nói tên là hiền thật sự thôi .
N.H.QUẾTrả lờiXóa



Phú Hòa15:58:00 23-12-2009

@Các Quế : Bọn anh quen nghe những lời bắt bẻ rồi, hổng sao đâu. Kính phụ nữ đắc thọ mà nên bọn anh ngoan lắm.Trả lờiXóa



Quế Lâm19:18:00 23-12-2009

Các anh lại quen nghe zợ nó bắt bẻ rùi nen xá gì lũ Quế chíp hôi bắt bẻ chứ gì chứ gì, hu hu...ai dám bắt bẻ các đàn anh chứ, chỉ dám bắt nạt các cụ anh thôi!Trả lờiXóa



Quế Lâm19:18:00 23-12-2009

Các anh lại quen nghe zợ nó bắt bẻ rùi nen xá gì lũ Quế chíp hôi bắt bẻ chứ gì chứ gì, hu hu...ai dám bắt bẻ các đàn anh chứ, chỉ dám bắt nạt các cụ anh thôi!Trả lờiXóa



Quế Lâm08:39:00 25-12-2009

@Phú hòa: Đại ca ui, Quế tụi em có cả tóc dài và tóc ngắn, tóc dài ít nhõng nhẽo nhưng tóc ngắn (kể cả tgtb) thì nhõng nhẽo tóc dài wá chừng đó, bởi zậy nên xút họ zô email và blog hoài mà kêu..."run bỏ mẹ", hehehe, đóo là lời của một tóc ngắn mới thú nhận trên email Quế!chúng nó chỉ thít đọc cọp zà cừi hôi!héc hécTrả lờiXóa



Phú Hòa03:03:00 27-12-2009

@Quế : các Quế tóc ngắn khi ở nhà phải chìu A trưởng chứ đâu có phước được A trưởng chìu lại nên khi gặp Quế tóc dài phải tranh thủ nhõng nhẽo là phải rùi. Thông cởm đi. Mà Quế tóc ngắn cũng chỉ dám nói là " run bỏ mẹ " chứ đâu dám nói là " run bỏ vợ". Chừng này tuổi mà " Bỏ vợ " thì ai nuôi ???Trả lờiXóa