expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

3. Vì sao tổ yến đại bổ?

Thực tình, MF chưa bao giờ tin các loại Yến Sào, Linh Chi … có các tác dụng huyền diệu như đồn đãi.
Hồi năm ngoái được một trường ĐH miền Tây mời giảng dạy mấy lớp, trong đó có một lớp tại chức. MF vốn ngán dạy tại chức, vì họ chẳng có kiến thức cơ bản gì, học lấy lệ, xin đề, xin điểm và bỏ học để … đi họp! MF từng nói với một anh học trò là chủ tịch một huyện ở Nghệ An: anh cần làm quan thì cứ ở nhà làm đi đã, khi nào thấy cần làm học trò thì hẵng đến lớp! Vì anh này cứ 2 buổi đi học rồi 4 buổi đi … họp. Sau đó thì thấy anh ấy nghiêm chỉnh đến lớp, không đi họp nữa, nhưng từ đó MF bị đồn là … dữ! hic
Vì vậy khi dạy các lớp sau này, MF thường tuyên bố trước, ai cần học thì ngồi lại, không thì về, chứ đừng đi họp, đừng mời cô đi ăn, đừng bao giờ phong bì cho cô. Vì các anh chị cần cái bằng, thì chí ít cái đầu các anh chị cũng xứng với cái bằng đó. Hơn nữa, các anh chị không có tiền, mới đi học nghề nông lâm, chơ có tiền thì các anh chị đã đi học kinh tế, tài chính kế toán … cho oai rồi! Có lần dạy xong một lớp ở Bình Định, MF ra về hí hửng không bị chúng nó khủng bố bằng mời ăn và phong bì. Nhưng về đến nhà tụi hắn nhắn tin lúc tiễn ra ga tàu có nhét cái phong bì sau túi nhỏ ba-lô, may không MF đôi đâu đó mất rồi. Bọn hắn tưởng rứa là lọt. Nhưng có gì không làm được, MF nhờ ngay cô giáo vào dạy môn tiếp theo, bảo tuyên bố trước lớp cô gửi trả! Cô về kể lại tụi nó ỉu xìu. Nhưng thật ra, mấy khi MF cho học trò trượt đâu, chỉ trừ những đứa không thèm học, ngồi không thèm nghe, vì vậy nặn không ra chữ để viết, mà không có chữ làm sao cho hắn điểm?
Bởi vậy, khi đến với lớp tại chức tại Bến Tre này, MF cũng làm tương tự. Bọn nó tuân thủ, chỉ cù cô cùng đi ăn trưa, sử dụng tiền trường trả cho cô để trang trải. Đến lúc về, chúng nó đến tiễn, đưa ra … một hộp yến, nói cho chúng em gửi về cho ông ngoại, tụi em biết ông ngoại già yếu, mong cô… thực sự MF không rành giá cả tổ yến, lại thấy chúng nó quá chân tình, MF nhận. Trên sân bay TSN, MF đi ngang hàng bán tổ yến, tò mò đứng lại coi, thấy giá cả đắt vòi vọi. Mở gói quà ra so sánh, thì ra đó là một hộp yến thô.
Khi đó phụ huynh chưa ốm, nên ý thức về chuyện yến sào cũng vừa phải, lâu lâu ngâm ra, nhặt lông chim, phân chim, vỏ trứng, cát đá lẫn trong đó mà thấy ê hề, nên lười, bỏ tủ đá quên luôn.
Từ bữa phụ huynh gặp nạn, khi bắt đầu cho ăn được, hỏi bác sỹ có thể cho ăn yến không, bác sỹ bảo có chứ, nhưng mà là cái loại yến phải nhặt nhạnh đến toét mắt ấy, chơ đừng cho ăn loại yến đóng sẵn trong chai mấy chục ngàn kia. MF về lục lại yến và bắt đầu ngâm làm một cách kỹ lưỡng. Lần này vừa làm vừa thương cha đang mê man chiến đấu giành giật cuộc sống, bỗng nhiên thấy cái vụ tổ yến này thật đặc biệt. Là những tổ yến còn nguyên sơ, lẫn rác rưởi, lọc, nhặt đúng là toét mắt. Một ổ như vậy nhặt có đến vài giờ mới sạch được, và khi đã sạch, thì như nhận thấy một điều gì đó thật kỳ diệu… Trong khi các loài chim khác làm tổ nuôi con bằng rơm rác, lá lay, thậm chí rứt lông ra mà làm. Thì loài chim này chuẩn bị chỗ nằm cho con bằng những tinh chất tiết ra từ chính cơ thể mình người ta gọi là nước miếng, nhưng MF nghĩ không chỉ là thế. Cái thứ chất ấy MF vừa làm vừa đặt cho nó cái tên là tình yêu, nó trong veo một cách diệu kỳ, tinh túy. Nếu có một miếng nào đó thấy hơi vàng vàng, thì hãy cố nặn bọt nó ra, nó sẽ thải hết tạp chất bám vào đó, và trả lại sợi chất yến trong vắt. MF gạn rửa cho đến khi không còn một chỗ vàng vàng nào mới thôi. Rồi đem chưng đường phèn, MF đã thử cho cha ăn loại yến trong chai chưng sẵn, người ko ăn. Nhưng chất yến này, sau khi tự tay mình chưng, thì phụ huynh đã ăn hết, mặc dù cổ họng mới qua cơn thương tổn nặng nề. MF vừa đút từng muỗng nhỏ xiu cho Người, vừa suy nghĩ, quả chất yến là tình yêu, cha mình cảm nhận được tình yêu người mới nuốt được.
Các tài liệu giới thiệu về tác dụng của tổ yến, nói rằng bởi nó có các acid amin! Thứ đó ở đâu không có?. Ăng-ghen đã nói, ở đâu có sự sống, ở đó có protein. Acid amin là các viên gạch xây thành các tòa nhà protein. Ba thứ đó ở động vật, cây cỏ, thịt chó, thịt mèo, kể cả cóc nhái, giun dế và ở mấy con châu chấu mà các Quế hay bắt nướng ngoài núi bên Quế Lâm, đều có đầy đủ! Vậy tổ yến có chi là đặc trưng? Bởi vậy trước đây MF không tin vào sự hoang đường của cái giá cao vòi vọi của tổ yến! Nhưng giờ nghiệm ra, có một thứ gì đó, không phải chỉ là acid amin đâu, điều này không lừa được nhà sinh lý học Q.MF, mà, theo MF, đó chính là tình yêu, tình yêu của yến mẹ dành cho con, một cái tổ thì cần chi bổ béo, yến con nó có ăn cái tổ đâu? Nhưng tình yêu được đan bện để làm nên chỗ nằm tuyệt diệu, bầy yến con thật là hạnh phúc!
Tháng 2.2015

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

2. Công dụng của nước chè

Ngày cha nhập viện, mới vào phòng, đã được người nhà của bệnh giường bên kia chào đón nhiệt tình. Tình trạng bệnh bà mẹ bên kia tương tự cha, nhưng bà đã 2 tháng và không phải thở máy nữa, tuy bà vẫn vô thức như sống thực vật. Họ nói bà nằm đã 2 tháng nhưng không lở loét nhờ tắm nước chè xanh và nằm nệm hơi massage. Hai mẹ con nghe theo liền! Về nhà mua chè nấu nước, từ đó cứ ngày ngày thực hiện chiến dịch nước chè, mua chè, nấu nước bới lên viện. Nghe thì đơn giản, nhưng cực lắm, nấu, đổ phích to phích nhỏ, lặc lè trên xe máy, mỗi lần vô viện gửi xe cũng cực, vì bạt ngàn xe, trời lại mưa tầm tả, cái mưa tháng mười, tháng mười một lạnh thấu xương. Thương cha nằm hấp hối trên kia, thương con bé bỏng mà hặm hụi chăm ông ngày cũng như đêm, nước mắt nhiều khi hòa nước mưa.
Tuy vậy điều kỳ diệu đã xảy ra, đã gần tròn năm rồi cha liệt giường nhưng thân thể trơn tru không một vết lở, mấy năm trước mẹ nằm mà không biết bài thuốc đơn giản này, tuy giữ gìn, xoa vỗ, thay đổi tư thế nằm ngồi thường xuyên, mà vẫn bị một vài chỗ, chữa lành chỗ này lại lở sang chỗ khác. Những người nằm cùng phòng cha sau đó, mình bày vẽ lại, có người nghe, người không, nhưng ai không làm thường người thân họ bị lở loét, vì đã vô lầu 6 này là trầm trọng, mà đã bị rồi thì sau đó có tắm nước chè cũng khó lành. 
Bởi vậy kinh nghiệm là người nhà vừa bị bệnh thì nên lập tức tắm nước chè, khi bệnh nặng nên tắm hoặc lau ngày 2 lần, ngoài ra tất cả các động tác rửa ráy khác đều bằng nước chè xanh ấm nấu đậm đặc! Lên mạng thì thấy hóa ra họ cũng viết đủ thứ về công dụng lá chè, rộn ràng như tất cả các loại cây cỏ họ cần lăng xê. Tuy nhiên đây là một kinh nghiệm quá thiết thực cần phải chia sẻ, trong đó, điều quan trọng cần có là sự kiên trì và tình yêu.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Thu nhận từ bệnh viện. 1. Nghề Y

Hồi hộp, run rẩy chờ đón xe cứu thương chở cha từ bệnh viện Quảng Trị vào, đưa gấp vào phòng cấp cứu. Trước đó có gọi cho một anh bạn HSMN trưởng một khoa trong bệnh viện, nhờ lưu ý họ gởi họ giúp kịp thời. Anh ấy bảo cứ yên tâm, đưa vào đi. Thấy tình trạng cha nặng quá, nói với ca trực: trường hợp này có bác sỹ X gửi, họ nói có ai gửi gắm gì đâu. Thôi đành, thấy họ trao đổi rồi quyết đưa nhanh lên khoa hồi sức cấp cứu. Nghĩa là nặng trầm trọng. Có những chi tiết rất đáng lo, mà giờ không dám kể lại, vì sợ lại “vận vào”. Lên đó, bác sỹ trưởng khoa tuyên bố: hết máy thở! Làm sao đây? "Chúng tôi chịu!" Mình cuống lên, không biết làm gì, thì thấy Quế con, đứa con gái bé bỏng siêng làm nũng mẹ, rút điện thoại ra và nó gọi cho … ông chủ tịch tỉnh! Chỉ 5, 7 phút sau, trưởng khoa có điện thoại, thấy ông nói: "dạ thầy yên tâm, em sẽ điều máy từ bệnh viện quốc tế về". Ông nói với mình: "Giám đốc bệnh viện lệnh phải điều máy thở bằng mọi giá. May mà tôi cũng đồng thời là trưởng khoa bên đó, nên mới có thể điều máy được". Cha vẫn nằm mê man với khí thở từ bóng bóp tay của y tá. Thân thể đã tim tím bởi những mao mạch vỡ. Bác sỹ trưởng khoa cứ lắc lắc đầu, ý chừng nói khó lắm! Nhưng nghe có máy thở là mình tràn đầy hy vọng. Mọi người bắt đầu sốt ruột vì người hộ lý đi lấy máy mãi chưa về, một người càm ràm, chàng này siêng chuyện lắm, chắc lại sang tám bên đó rồi! Trời, mình thì nóng ruột biết bao nhiêu... Rồi máy thở cũng tới. ca trực vào cuộc rất chuyên nghiệp, và cha được đưa vào phòng điều trị số A1. Hai mẹ con ngồi chong bên Người, theo tiếng réo rắt máy thở, các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý đều đặn thao tác. Mình thì thấy cha mình quan trọng, nhưng họ thì chỉ vì bệnh mới vô nên vội vàng chút thôi, chơ ai cũng vậy. mỗi ca trực, các điều dưỡng liên miên từ bệnh này sang bệnh khác, không biết mỗi ngày như vậy họ di chuyển bao nhiêu cây số. nhưng chỉ biết rằng ngoài lương ra, họ mỗi tháng được bồi dưỡng khoảng hơn chục lon sữa đặc, hiệu “Ông Thọ”, họ không biết làm gì với số sữa đó, cứ đi hỏi người nhà bệnh nhân có biết chỗ nào bán lại được không? Những nhân viên điều dưỡng tích cực nhất ở khoa này lại là những người đang học việc, nghĩa là đang làm không có lương, mỗi người như vậy phải 3 năm học việc trở lên. Rất giỏi giang, chuyên nghiệp và luôn tươi cười. Y tá trưởng thì mặt mày luôn khó đăm đăm, nói năng chát chúa, thỉnh thoảng mới thấy thị nở một nụ cười thật xinh. Đôi lúc các điều dưỡng tám với nhau: khi đêm nhà ây đưa ông ấy về, mình thấy khả năng còn cứu được. Uổng quá…