expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Con nhà giàu - Con nhà mình

Vừa đọc bài “Kỳ nghỉ Hè của hội “con nhà giàu Instagram”của Minh Nhật trên báo Dân Trí. Không hiểu phóng viên tổng hợp và đưa vấn đề này lên để làm gì, nhưng MF chạnh lòng nghĩ đến con mình và những đồng tiền của chúng.
Con MF chưa đi làm, tên đầu chỉ mới bắt đầu sự nghiệp được vài ngày, mặc dù tuổi đã 30, nhưng chúng có lý do chính đáng, là chúng dành hết thời gian đầu đời để hoàn thành các sự học hành mà con người ta phải làm và muốn làm.
Nói là “đồng tiền của chúng”, đó chưa phải là lương, mà là tiền học bổng chúng lấy được từ chương trình đào tạo nghiên cứu sinh của chính phủ Italy. Trong khi nhiều bạn khác đi học tự túc từ tiền cha mẹ, vẫn đi chơi tiêu xài thoải mái, “đã có ông bà già lo” – câu nói cửa miệng của họ, họ biết cha mẹ cần họ học hành, bằng cấp, thì bọn nhỏ nhà MF biết mẹ chúng lương nhà giáo rất có hạn, và một điều thú vị là giờ đây thu nhập của chúng cao hơn mẹ rất nhiều. Bởi vậy chúng ra tay “tài trợ” lại cho mẹ.
Trước tiên là cu anh, khi chưa đi học, bạn bè nhiều, đôi khi cũng tiêu xài rộng rãi lắm, nhưng đi học xứ người, anh chàng chỉ ngày đi học và làm việc, tối về nấu nướng ăn uống xong lên mạng chát chít, xem truyện tranh (he he) rồi ngủ. Tiền tích lũy mỗi lần về hay có ai về, chàng lại gửi về cho mẹ. Có lần nói với hắn mẹ gửi tiết kiệm cho con từng ni từng ni, hắn nói: mẹ mệt i, tiền nớ tiền dùng chung cho cả nhà chơ! Cả nhà đây là ông ngoại, mẹ, em hắn và hắn. Thỉnh thoảng về hắn rút túi dúi cho em hắn ít tiền tiêu vặt nữa. Bảo hắn con tranh thủ đi du lịch vài nước, quan sát cuộc sống và trải nghiệm, so sánh các mô típ kiến trúc khác nhau. Hắn nói con đi chơ, nhưng đi đủ thôi, đi nhiều mà chi cho tốn kém, con có cách học của con. Đó là điều đáng ngạc nhiên, vì khi hắn có tiền, hắn đã biết giá trị của tài chính của bản thân và gia đình.
Con em hắn nối tiếp hắn giành được học bổng, tên này thì tính hướng ngoại nhiều hơn anh hắn, ham đi, ham biết, với hắn, khóa học ngoài việc học hành, như là một chuyến du ngoạn. Ở một chỗ hắn chán, nên có bất cứ cơ hội nào rảnh học là … hắn đi. Không biết hắn trả cho các chuyến đi đó như thế nào, nhưng mỗi lần về cũng đưa “của để dành” cho mẹ không thua gì anh hắn. Mẹ có sang bên đó, hắn lo cho mẹ đầy đủ, hai mẹ con đi chơi mấy nước hắn bao hết (hic, mẹ hắn vẫn nghĩ mình là mẹ thì luôn bao bọc cho con). Rồi ông ngoại nằm viện, hắn ngoài việc mua vé bay về chăm ông, còn đưa mẹ tiền trả viện phí cho ông. Còn sắm đồ về bày biện nấu ăn các món Ý rất tốn kém, mẹ hắn nóng ruột, hắn nói “con toàn mua đồ rẻ”.
Chưa bao giờ MF dám vỗ ngực con mình ngoan, bởi mấy tên này cá tính cùng mình, MF cực với con không ít, nước mắt chảy vì con không ít.

Nhưng hôm nay đọc bài báo kia, ngẫm ra các Quế con của mình phóng khoáng, hào hiệp thật chính đáng. Dù rằng cuộc đời  của các con cũng chỉ mới bắt đầu.