expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH


 (Bài viết thu hoạch bắt buộc của tất cả cán bộ CNV trong trường về cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” (đã nộp 2010). Đại học Nông Lâm Huế).

T
ôi không được dự một buổi học cụ thể nào về cuộc vận động này, có thể là khi lớp học được tổ chức, tôi đang đi công tác, cũng có thể là tôi không phải thành phần được thông báo.
Khi tôi thắc mắc, có người bảo: cứ lên mạng tìm đại một bài, copy rồi sửa chút đỉnh, nộp cho đủ chỉ tiêu thôi mà! Tôi có thể làm thế, ngay cả giờ này đã hết hạn nộp bài! Nhưng tim tôi nhói lên khi nghĩ rằng đây là việc mình làm, mình nói, về sự tôn kính đối với Bác Hồ.
Hồ Chí Minh, với thiên hạ trong cuộc sống hiện tại, có khi là một khái niệm chung chung, có khi là sự hiểu biết hời hợt, cũng có khi là một sự cuồng tín trong sự hiểu và nói về Người. Tuy nhiên, với đa phần người Việt Nam, kể cả những người từng đứng bên kia chiến tuyến, người là một vĩ nhân. Dùng từ này có vẻ như là sáo rỗng, nhưng biết dùng từ nào hơn, khi người làm được những điều cho non sông đất nước mà những người thông thường không làm được hoặc chưa làm?
Riêng về bản thân tôi, tôi đang viết như một lời tâm sự, không phải bản thu hoạch! Có cấy trồng mới có thu hoạch, cấy trồng ở đây nghĩa là một vài buổi học tập nào đó…
Tôi sinh ra ở bên kia chiến tuyến, gia đình bên nội tôi là dòng dõi quan lại (ông cố của cha tôi là Tiến sỹ Võ, tước Quế Dương Hầu, Phó tướng triều đình Tự Đức), bên ngoại tôi mấy đời nông gia thành công với phù sa bên dòng Thạch Hãn, do vậy đất đai nhiều, nhân công đông, nếu như ở miền Bắc thời cải cách thì gọi là “địa chủ”, ông ngoại tôi được dân bầu làm lý trưởng, quán xuyến việc hương hỏa, dân làng. Chức danh này không mấy gây cảm tình cho lực lượng những bần nông làm cách mạng.
Tuy nhiên tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt! Ông nội tôi mất khi cha tôi mới lên 3 tuổi, bà nội ở vậy thờ chồng, nuôi con một mình nên gia cảnh khó khăn dần, ruộng vườn phải nhượng bán, những kẻ hợm đời thường ức hiếp. Trong hoàn cảnh đất nước lâm vào thế giặc Pháp xâm lược, nội tình đất nước cũng như hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bà nội tôi không đủ sức nuôi cha tôi đi học xa để có thể đỗ đạt cao, cha tôi chí ham học hành, nhưng hoàn cảnh không cho phép, 15 tuổi phải vừa dạy học vừa tự học, khi những người tri thức gặp nhau trong hoàn cảnh đó, họ đã cùng đồng chí hướng và quyết tâm làm cách mạng. Mười sáu tuổi ông tham gia cách mạng và mười tám tuổi ông vào Đảng Cộng sản ĐôngDương. Ông đam mê làm cách mạng, đam mê những ý tưởng giải phóng dân tộc của Bác Hồ Chí Minh. Nói như Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày”, chẳng bao lâu cha tôi bị Pháp bắt tù trước nỗi thảng thốt khổ đau của người mẹ và hàng chục cặp mắt ngây thơ ngơ ngác của lũ học trò làng. Cha tôi tiếp tục sự nghiệp của mình trong tù, và ông được tự do khi Nhật đảo chính Pháp. Rồi ông để mẹ già ở lại, tiếp tục theo đuổi niềm tin trên con đường chông gai của mình. Mẹ tôi vượt qua sự cản trở của gia đình, đến với cha tôi khi Người tham gia cách mạng và ở tù, bà đợi chờ và sát cánh cùng chồng trên con đường gian khó. Họ yêu nhau trong hoạn nạn, cưới nhau trong khó khăn. Địch lùng bắt ráo riết. Cha tôi lại phải để vợ con lại cho mẹ, hoạt động thoát ly. Ba chị em chúng tôi ra đời từ những cuộc gặp gỡ đầy gian truân của cha và mẹ.
Khi mẹ có chửa tôi, để tránh dị nghị, nghi ngờ của những lực lượng “chống Cộng”, hễ thấy bóng ai đi ngang ngõ là bà nội tôi lấy bẹ chuối đập sạt xuống chõng tre, hét to “con tao đi khỏi, mi đi với thằng nào cho to bụng ra?...”. Rồi cũng đến cái ngày tôi được cha mẹ sinh ra, đó là một ngày đầy ký ức: Mẹ thường bới cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng, đêm chuyển dạ, bà không đi được. Cán bộ đành phải tự mình lên khỏi hầm đi lấy thức ăn. Đêm ấy, thám báo rình bắt được ông Lê Diệu, họ hành xử bằng cách lấy đòn xóc (giống như đòn gánh nhưng nhọn 2 đầu để xóc vào 2 bó lúa gánh cho dễ) đâm vào thân thể ông đến nát, rồi treo lên hàng rào ngoài làng, để mọi người xem như một lời cảnh báo cho ai dám làm cách mạng! Như vậy ngày tôi sinh, cũng là ngày một nghĩa sỹ vĩnh biệt. Xã gọi bà nội và mẹ tôi bồng tôi lên, họ nhìn mặt và nói: “Mặt này là mặt thằng Kim chớ mặt ai nữa mà cứ giả đò kêu chửa hoang?”, rồi vì mẹ tôi mới sinh nên họ cho về, nhưng giam bà nội tôi lại để ngày ngày khảo tra, mẹ tôi kể: khi về, hỏi họ có làm gì không, bà nói không, nhưng bà khẽ rên và nằm sấp, mẹ tôi giở lưng áo ra, thấy da dẻ bị rách nát tím bầm, họ trị tội chứa chấp Việt Cộng của bà, tức là đứa con trai duy nhất của bà. Chưa hết, họ tập trung hết người trong thôn xã lại, bắt ngồi cả ngày ngoài nắng để tập huấn, chờ cho đến khi nào họ khai nhận có chứa chấp Việt Cộng thì thôi, vì chứng tỏ cha tôi đã về nhưng không ai chịu khai báo! Tuy vậy, không ai chịu nói gì. Thấy dân làng ngày ngày bị phơi nắng, chịu không nổi, mẹ tôi bồng tôi đang đỏ hỏn đứng lên nói: “Thưa xã, tôi công nhận đứa con này là con của chồng tôi, nhưng đó là kết quả của một buổi đi rừng lấy củi, tình cờ vợ chồng gặp nhau trong rừng, tôi làm tôi chịu, không liên quan gì đến bà con, đề nghị xã thả cho bà con về, và nhân đây cũng nhờ xã bắt giùm cho được chồng tôi về với, chứ tôi cứ sống vắng chồng mãi thế này cũng cực lắm!” (câu chuyện này nhiều người bạn trong trường được cùng nghe bà Én, một người trong làng kể, khi đưa đám tang mẹ tôi về quê nội). Sau đó bác tôi đặt cho tôi tên là “con Sâu”, nghĩa là “con sâu làm rầu nồi canh!”. Và cũng do vậy, thông thường thời ấy ít ai nhớ ngày sinh của con, nhưng mẹ tôi không bao giờ quên ngày 21 tháng Tư âm lịch (thực ra đó là ngày 30 tháng 5 trong lịch dương).
Lớn lên tôi không hề gặp cha, nhưng tuổi thơ tôi không thấy thiếu vắng cha, bởi vì bà, mẹ trong nhà và bà con cô bác trong gia đình cũng như làng xóm luôn nhắc đến cha với sự thì thầm bí mật nhưng đầy thương yêu và ngưỡng mộ! Cuối những năm năm mươi, sau mấy năm được cử đi hoạt động ở Thái Bình trở về, cha tôi càng trở nên nổi tiếng trong vùng, vì vậy lực lượng đối lập đã treo giải rất cao cho ai có thể bắt được ông! Vì vậy đêm đêm nhà tôi bị rình rập, vách sau nhà tôi nhẵn thín vì luôn có người dựa lưng ngồi! Năm 6 tuổi, tôi đến trường, trường xã tôi không nhận vì sợ liên lụy con của Việt Cộng nguy hiểm! (Anh tôi thì vẫn học trường xã, họ không đuổi vì anh học giỏi quá, họ tiếc). Mẹ tôi phải gửi tôi sang học ở trường một xã khác! Tôi đi học, thấy thầy cô và bài vở luôn phải nói xấu Việt Cộng, nói xấu Hồ Chí Minh, nhưng thâm tâm thơ bé của tôi thầm biết đó là những người kính yêu và đáng trân trọng, vì trong đó có người cha dấu yêu đáng kiêu hãnh của tôi. Qua dư luận gia đình, từ việc nói đến cha tôi, hình ảnh của một người đặc biệt, len lỏi đến với tôi qua nhiều lời kể: Cụ Hồ Chí Minh!
Trong khi các bạn ở miền Bắc được thoải mái ca hát ngợi ca Bác Hồ, còn Bác đến với tôi khó khăn và thần diệu như vậy đó!
Rồi những ngày cực kỳ khó khăn của cách mạng cuối thập kỷ 50, đầu 60, cũng là những ngày gian khổ của gia đình. Chị tôi ra Bắc học, cứu bạn, mình chết, bạn sống. anh tôi bị bệnh nan y nhà không có tiền đưa đi bệnh viện nên mất. Bà nội tôi chịu không nổi chuyện mất cháu, mất theo luôn. Ba tôi đành phải đưa mẹ con tôi lên rừng. Lên đến nơi, sợ tôi thất học, ba phải đích thân dạy tôi học, trong khi ông vô cùng bận rộn với chức trách của một Quyền Bí thư Tỉnh Ủy (Tỉnh Quảng Trị). Một trong những bài học đầu tiên của ông dạy tôi là đặt cho tôi những câu hỏi để tôi viết luận: Vì sao con lên đây? Bác Hồ là ai?... Như vậy, chính cha đã là người đầu tiên chính thức dạy cho tôi về Bác Hồ, về ý nghĩa của cuộc cách mạng khi tôi mới chỉ vừa 7 tuổi, nhưng với cách nói độc đáo của mình, ông đã làm cho tôi hiểu, khẳng định sự tin yêu mà tôi hằng có trong tuổi thơ. Bằng lời nói, cha vẽ ra cho tôi một hình ảnh Bác Hồ tuyệt đẹp kể cả hình hài và tư chất. Thậm chí Người còn viết ra vở để cho tôi học thuộc! Như vậy bài học về Bác Hồ tôi đã có từ tuổi thơ chứ không phải đến hôm nay chờ một vài buổi học trên hội trường đông đúc và cứng nhắc. Những con người xung quanh tôi trong gian khó, cái chết rình rập kề bên mà cứ tin yêu Bác và Cách mạng như vậy, đã hình thành cho tuổi thơ tôi một nỗi niềm yêu kính Bác vô cùng!
Rồi cha mẹ tôi gửi tôi ra Bắc để học hành, tôi được đưa vào trường Học Sinh Miền Nam, mỗi ngày học của chúng tôi dường như đều có bàn tay chăm sóc của Bác, thầy cô má đã thay mặt Đảng Bác nuôi dạy chúng tôi, thầy cô chúng tôi hy sinh gia đình, theo học sinh từng ngày từng đêm, nuôi dạy chúng tôi như làm theo thiên chức của cha mẹ, chứ không phải nhiệm vụ ngày ngày đem sách vở đến trường dạy dỗ, nên tuyệt nhiên chỉ có dạy chúng tôi rằng phải học tốt, phải sống tốt để nên người xây dựng đất nước, chúng tôi thuộc lòng và ngày ngày làm theo 5 điều Bác Hồ dạy!  Như vậy, mười năm trên ghế nhà trường, cũng là mười năm chúng tôi học để làm theo tấm gương của Bác từ bài học của thầy cô và từ chính cuộc sống gương mẫu của thầy cô!
Tôi chỉ tâm sự như những lời tâm sự, tôi không viết thu hoạch, nên những mỹ từ như nhận thức, thực hiện dân chủ, chống thói ba hoa, chống quan liêu… hoàn toàn xa lạ với tôi. Đã là con người, gen di truyền rất đa dạng, tạo nên mỗi tính cách và cuộc sống vô vàn khác biệt và muôn sắc. Ai tài giỏi gì học theo ai trong kiếp tìm kiếm cơm ăn áo mặc để sống còn này. Nhưng thật tuyệt vời khi có một con người thực thể, không xa vời như đức Chúa hay Phật lành, nêu tấm gương sống như thế nào cho có ý nghĩa cho mọi người soi rọi. Con người sẽ có niềm tin hơn cho cuộc sống khi vẫn còn đích để vươn lên! Cũng như thế, chẳng ai hoàn hảo hơn ai, nhưng cách sống bình dị và sự hy sinh của Người làm người ta tin tưởng rằng mình cần sống tốt như thế, mặc dù sự kiệt xuất của Người, tài tiên đoán và quyết đoán của Người như một vị thánh sống, người đời khó theo nổi! Đầu tháng 9 năm nay, thể theo nguyện vọng của cha tôi, tôi đưa cha đến thăm bến nhà Rồng tại thành phố Hồ Chí Minh, nước mắt cha tôi chảy dài dọc những ảnh hình người còn đọng lại đâu đó. Suốt đời cha tôi là một học trò trung thành của Bác, không chỉ trong sự nghiệp cách mạng mà cả trong đạo đức sống ngày ngày. Cha tôi như một tấm gương trung gian cho tôi luôn đặt niềm tin vô Đảng Bác. Bởi vậy cách đây gần 20 năm, trong bài thu hoạch đối tượng Đảng (bài của tôi được chấm điểm 10 duy nhất của lớp đối tượng của Đại học Huế và được đọc làm bài mẫu trước toàn trường), tôi đã viết: Còn một ngày tôi còn yêu gia đình tôi, cha mẹ tôi, thì tôi còn yêu Đảng, kính yêu Bác.
Còn “làm theo tấm gương” của Bác, mỗi người, tùy vị trí của mình, tùy tâm tính của mình, tùy hoàn cảnh của mình để hoàn hảo mình lên theo khả năng có thể. Như từ đầu tôi nói, Bác là một Vỹ Nhân, ta dễ gì có một người thứ hai như Bác, nhưng mỗi người một ít, sống thiện hơn, nhân bản hơn, trung thực hơn, phải tỉnh táo để biết mình không hành những động tiểu nhân, để tay nối tay trong cộng đồng những người yêu đất nước, yêu quê hương, gia đình và cùng chung tay xây dựng đất nước mà biết bao máu đổ mới giành được ngày hôm nay, thì Bác Hồ và tấm gương của người trước mắt chúng ta cũng đơn giản và dễ học biết bao!
Hy vọng đây là một cuộc vận động thực sự có ý nghĩa, để ít nhiều có tác dụng thực sự làm con cháu đời sau nhận thức tốt được về các thế hệ đã đi qua, người dân luôn tin yêu đến cán bộ, học trò luôn tôn kính các thầy cô và nhân dân tự nguyện và trung thành đi theo đường lối của Đảng. Bác dạy chúng ta sống phải trung thực, thì cuộc vận động này hy vọng sẽ trên tinh thần như thế, để gọi được đúng tên là HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH!
                                                                                         Huế 12 tháng 10 năm 2010



http://mst.khampha.vn/toi/toi-yeu-dang-kinh-yeu-bac-nhu-gia-dinh-minh-c8a60678.html


Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Believe (Cher)


Chị Nghĩa

Nghe tin đoàn Chính phủ do phó thủ tướng dẫn đầu cũng sẽ đi đường bộ cùng qua dự lễ (khánh thành nhà lưu niệm các Trường học Việt Nam), nhưng mãi lúc vào dự lễ khai mạc “Diễn đàn hợp tác giáo dục Trung – Việt”, mới thấy đoàn Chính phủ Việt Nam vào. MF hơi bất ngờ khi nghe giới thiệu thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, vì đó là một bạn cũ, các Quế đừng cho là MF thấy “người sang bắt quàng làm họ”, những năm 80 chị ấy cùng học cao học sinh với MF ở Vinh, chị học khóa 5, MF khóa 6, khá thân nhau, nhưng 28 năm rồi, MF chỉ nghe tin tức của chị chứ không hề gặp lại, những là giám đốc sở giáo dục Quảng Bình, những là ứng cử và thắng cử cuộc tuyển chọn thứ trưởng, nhưng cảm giác là chị càng lên cao, mình càng khó có cơ hội gặp lại, vì MF vốn ngại gặp người quen làm lớn, nhất là không bao giờ thích bị họ ậm ừ không nhớ rõ mình là ai!  Suốt buổi khai mạc diễn đàn MF chỉ quan sát, không có ý định gặp gỡ hỏi han gì làm phiền cấp trên! Vì lúc ấy chị là người dẫn đầu đoàn (anh “Trỗi” NTN chưa xuất hiện).
Nhưng ở buổi lễ khánh thành nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam, khi đã có hình ảnh phó thủ tướng phủ lên đoàn khách, khi ai ai cũng cố vươn gần hơn một chút đến con người nổi tiếng ấy, thì chị như thoải mái hơn lui về phía sau. Sự tò mò thôi thúc MF kiểm chứng bạn cũ, MF nói với Quế muội Mộng Linh: để thử xem vị ấy có nhận ra chị không? Chờ thời điểm thích hợp nhất, đi tới, khèo: Chị Nghĩa! Ôi T. phải không? Sao em lại ở đây? Ôm chầm lấy! (híc, hành động không “thứ trưởng” tí nào, lại giữa ba quân thiên hạ!) em là một trong những nhân vật chính của buổi lễ này mà! He he (cũng có lúc phó thường dân có thể vỗ ngực tí, nhưng mà đúng thế mà!) Thật vậy sao, giờ em ở đâu, làm gì…ríu rít tám chốc lát, chị phân bua với mọi người xung quanh: ngày xưa 2 chị em cùng nấu ăn, cùng học bài đó (có môn sinh triết của thầy Hoành, dân cao học hồi í gọi là môn sinh “chết”, vì khó vô cùng, chị thi trước, 9 điểm, em thi sau, có chị cùng thảo luận tư vấn rồi, mà vẫn chỉ 8.5 điểm, (híc, MF không thích môn triết tí nào, nhưng môn sinh triết này đặc biệt hơn, lại được một người thầy tuyệt vời như thầy Trần Bá Hoành giảng dạy nữa, MF may mắn được học thầy 2 lần, Đại học và Cao học) tuy nhiên, mọi người khó mà vượt qua điểm trung bình lắm nha! (bài thi này MF còn giữ làm kỷ niệm, vì cảm thấy có một điều gì đó đặc biệt, và hình ảnh chị luôn nằm trong đầu với những lời phân tích uyên bác, bởi vậy khi nghe chị trúng tuyển, MF rất mãn nguyện, vì tin rằng đó sẽ là một thứ trưởng rất được!) ôi chị lại phải đi theo đoàn, chị đi đi, MF giục! Vẫn còn muốn tám, nên có cơ hội là chị lại sán lại hỏi han tiếp! he he, chứng tỏ hình ảnh tên MF đã không thể phai mờ trong chị, thậm chí chị còn lưu ý một số tin tức cá nhân của MF, trong khi MF biết về chị không nhiều hơn những gì đã biết.

27/7/2010

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Thư của trò cũ

MF vừa nhận được một email của một tên trò cũ, hắn tên là Lê Quý Thụy, khi chúng nó còn ở trường, tập đoàn MF đi đâu mà chưa thấy hắn là nháo nhác tìm, bởi hắn là tên hài của nhóm, điện thoại, email thì toàn trêu cô, trêu bạn. Thế mà hôm nay ngồi cảm tác được một cái email nì, làm buổi tối của MF chùng xuống nao nao... Hắn nửa đùa nửa thật viết như sau: 
 " Cô ơi! sắp kết thúc năm cũ rùi cô kìa! em vẫn miệt mài đợi chờ từ blog của cô một bài viết nào đó có nhắc đến em, nhắc đến những người học trò 2008 - 2012 mà ko thấy! và càng ngày thì thời gian wa đi kí ức cũng nhạt nhòa dần rùi cô hè! người ta nói muốn viết văn thì phải có cảm xúc phải ko Cô? Làm sao có những cảm xúc như lúc Cô ở Pháp phải bật khóc khi nghĩ đến lũ học trò nữa Cô nhỉ! những khoảnh khắc bịn rịn ko muốn rời xa trong những tháng ngày sắp chia tay cố đô! em muốn viết nhưng em lại chưa đủ sâu sắc để cảm nhận hết tất cả! Ah Cô ơi! Cô đừng buồn khi lũ học trò ngày xưa ko thường liên lạc với Cô, Cô nhé! lũ chúng em ko bao giờ quên Cô đâu! Đôi lúc ngồi nhìn lại những bức ảnh kỉ niệm mà em ngồi thẫn thờ luôn cô ạh! cảm ơn cô! cảm ơn cuộc đời cho em được gặp cô, để em có được những kỉ niệm đẹp đẽ nhất của 1 thời sinh viên! năm mới cô của mình lại già thêm 1 tuổi! luôn giữ gìn sức khỏe để trẻ mãi ko già Cô nhé! để đến 1 ngày nào đó tình cờ gặp cô trên đường đời em phải nói! Anh chào EM! heeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeee ! buổi tối vui vẻ cô nhé"
Hic, cứ tưởng hắn chỉ biết cười đùa tếu táo!