expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Học Sinh Miền Nam là ai?


MF chôm bài ni bên trang web http://hocsinhmiennam.com

Tác giả: CD.

Lời dẫn. Hôm đầu tuần NVN gọi, nói Mày viết cho BBC một bài giải thích HSMN là cái gì, còn nói thêm là Gần đây có một số người gởi thư cho BBC hỏi chuyện này, họ có hỏi tao, thôi mày viết đi. Nghĩ thầm sao lại trùng hợp với chuyện trang website hocsinhmiennam.com mới mở, không biết y có động chân động tay vào chuyện này không. Mới nói Tao viết dạng tư liệu cung cấp những thông tin tao biết chứ không viết bài, mà cũng chỉ khoảng 1.500 chữ trở lại thôi, nếu được cuối tuần tao sẽ gởi mày chuyển cho họ. Y ok rồi gác máy.

Đang làm một cuốn sách nhỏ nhỏ nên cũng bận rộn, mệt thì chuyển qua viết vài dòng. Thật ra chỉ làm HSMN có 11 năm từ 1964 đến 1975, đâu biết gì nhiều về thời gian trước đó. Nên chỗ nào bí thì phải gọi điện hỏi, mấy người anh em bạn có thâm niên HSMN lâu hơn cũng chuyện thì nhớ chuyện thì quên. Sáng nay nhìn lịch đã là thứ bảy, gởi bản nháp cho NVN, nói thấy cần thêm bớt sửa chữa gì thì cho biết, còn cẩn thận bảo thư ký nhắn tin cho y. Trưa y trả lời nói không sửa gì cả, đã gởi luôn rồi. Thì cũng được thôi, nhưng cố đấm ăn xôi sửa vài chữ gởi lại cho y, nói chuyển bản này cho BBC thay cho bản trước.

HSMN từng là đối tượng truy sát của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc thời gian 1964 – 1968, phải sơ tán qua tận Trung Quốc, hai đối tác ấy thừa biết những người này là loài chim nào, chuyện cũng đã qua nửa thế kỷ rồi, có tư liệu gì trước kia hạn chế công bố thì hiện cũng thuộc loại được giài mật rồi, viết ra cũng chẳng có gì phải sợ. Chỉ là không biết đủ về HSMN, NVN là HSMN sớm hơn nhưng cũng chỉ cùng lứa, chắc cũng không nhớ được nhiều hơn, sợ là viết không đúng, mai kia lỡ BBC sử dụng bài viết có chỗ nào không đúng thì HSMN lại ít nhiều bị người thiên hạ hiểu sai hiểu lệch, thành ra lại có lỗi với HSMN. Vì vậy post bài này lên, các bạn HSMN thấy chỗ nào sai sót xin đính chính sửa chữa cho.

*****


Trong thế kỷ XX, trên thế giới có ba quốc gia bị chia đôi là nước Đức bị giải giáp và chia đôi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Triều Tiên bị chia đôi sau chiến tranh 1950 – 1953, Việt Nam bị chia đôi sau chiến tranh 1945 – 1954. Nhưng khác với hai quốc gia kia, Việt Nam bị chia đôi với một hiệp ước hứa hẹn sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Lời hứa hẹn không thành hiện thực ấy là tiền đề chính trị của một quá trình lịch sử mới kéo theo sự hình thành của nhiều nhóm xã hội chưa từng có trong lịch sử Việt Nam trước đó. Một trong những nhóm xã hội đặc biệt ấy là Học sinh miền Nam (HSMN).

Theo Hiệp định Genève (phần về Việt Nam), các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh. Lực lượng kháng chiến dưới quyền Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở phía nam vĩ tuyến 17 được chuyển ra khu tập kết phía bắc, tất cả khoảng 140.000 người. Một bộ phận trong số đó là bộ đội trẻ hay con em cán bộ bộ đội được theo người thân tập kết ra Bắc, được cho đi học văn hóa. Trong một thời gian sau 1955, nhiều người từng được đưa qua sinh sống và học tập ở Trung Quốc (Khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây), Cộng hòa Dân chủ Đức, nhưng chỉ đến khoảng 1957 – 1958 thì đều được rút về nước, phần nhiều được đưa vào các trường nội trú đặc biệt, gọi chung là Trường HSMN. Các trường HSMN thời bấy giờ chia ra trường nữ trường nam, trường cấp 1, cấp 2, cấp 3, chủ yếu đặt ở Hải Phòng và Hà Đông, được phiên chế thành 28 trường, gọi theo số hiệu từ 1 tới 28. Ngoài ra còn có Trại Nhi đồng miền Nam nuôi dạy những học sinh miền Nam dưới 7 tuổi, Trường Dân tộc Trung ương nuôi dạy những học sinh miền Nam thuộc các dân tộc ít người, đều đóng ở Hà Đông. Sau khi miền Nam đồng khởi năm 1959, từ 1960 trở đi số lượng học sinh ở các trường nói trên cũng liên tiếp được bổ sung, chủ yếu là con em cán bộ cách mạng đang chiến đấu ở miền Nam được gởi ra Bắc học tập theo các đường dây bí mật, tình hình này vẫn duy trì đến sau Hiệp định Paris 1973. Các trường này được quản lý theo một hệ thống đặc biệt, thấp nhất là Phòng Quản lý Học sinh miền Nam, cao nhất là Ban Thống nhất Trung ương – cơ quan chịu trách nhiệm tiếp đón và bố trí cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết và từ chiến trường miền Nam ra hậu phương miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, con em miền Nam trên đất Bắc, điều động cán bộ dân, chính, đảng từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Nam.

Việc không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc năm 1964 đã được những người có trách nhiệm dự kiến, nên vào năm này các Trường HSMN có sự thay đổi về tổ chức. Ngoài Trại Nhi đồng miền Nam và Trường Dân tộc Trung ương, các trường HSMN được dồn lại còn ba trường là trường HSMN số 11 (cấp 1) ở Kiến An, trường HSMN số 13 (cấp 2) ở Hải Phòng và trường HSMN cấp 3 Đông Triều. Những học sinh có cha mẹ hay người thân ở miền Bắc đều được cho về sống với gia đình, giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho những người trực tiếp nuôi dạy. Đầu năm 1965, Trường HSMN số 11 từ Kiến An liên tiếp sơ tán qua mấy nơi ở Thái Bình rồi lên Móng Cái, ra Trà Cổ, đến đầu 1967 phải qua Quế Lâm, Quảng Tây Trung Quốc để né tránh sự truy sát của không quân Mỹ. Hai trường kia cũng không khá gì hơn, trường HSMN cấp 3 Đông Triều còn bị trúng bom, may mà phần lớn giáo viên và học sinh đã được sơ tán qua Trung Quốc nên thiệt hại về người không lớn. Ở Quế Lâm, ba trường HSMN thuộc ba cấp học và Trại Nhi đồng miền Nam, Trường Dân tộc Trung ương ở một khu, Trường Văn hóa quân đội tức Trường Nguyễn Văn Trỗi (có một số HSMN là con em cán bộ quân đội ở chiến trường B) đóng ở một khu khác. Sinh hoạt biệt lập với người địa phương, nhưng số phận đã cho những thiếu niên này một cơ hội để ít nhiều chứng kiến cuộc Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thời bấy giờ.

Cuối năm học 1967 – 1968, các trường HSMN ở Quế Lâm đều rút về nước, sau đó từng bước được phiên chế lại thành 8 trường, ví dụ trường số 1 ở Đông Triều, trường số 2 ở Vĩnh Yên, trường số 8 ở Tam Đảo. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân Mỹ ở miền Bắc thời gian 1972 – 1973, họ không bị coi là đối tượng đặc biệt cần truy sát nên không phải lưu vong như lần trước. Sau ngày 30. 4. 1975, các trường này đều lần lượt giải thể. Ngoài những người đã vào các trường Đại học, Cao đẳng vẫn được tiếp tục học đến khi tốt nghiệp, học sinh các trường này đều được đưa về quê hương ở miền Nam.

Về chế độ đãi ngộ, so với tình hình chung thời bấy giờ thì HSMN được dành cho nhiều ưu đãi. Ví dụ về vật chất, họ được cung cấp như sinh viên Đại học (17 kg gạo, nửa kg thịt mỗi tháng, 5 mét vải mỗi năm). Ngoài tiền ăn (18 đồng/tháng) và sinh hoạt phí (3,5 đồng/tháng cho học sinh cấp một, 4,3 đồng/tháng cho học sinh cấp hai, 5,5 đồng/tháng cho học sinh cấp ba, 14 đồng/tháng cho những người học Đại học trong nước – sinh viên HSMN ở nước ngoài thì hưởng chế độ chung của sinh viên Việt Nam), các dịp hè và Tết họ còn được hưởng một khoản trợ cấp, do khó khăn trong chiến tranh nên hai khoản này bị giảm dần nhưng đến 1975 vẫn còn 15 đồng tiền hè, 10 đồng tiền Tết, những người học Đại học trong nước cũng được hưởng hai khoản trợ cấp này. Về một số mặt khác, HSMN cũng được ưu tiên, ví dụ có thời gian HSMN tốt nghiệp lớp 10 thì gần như mặc nhiên sẽ được đưa ra học Đại học ở nước ngoài, hay người nào quá bất trị cũng chỉ bị tước hết quyền lợi HSMN cho về lao động ở các nông trường, tự làm mà ăn chứ không đến nỗi bị tù đày. Dĩ nhiên không phải HSMN nào bị đưa về lao động ở các nông trường cũng là loại bất trị, nhưng đó là cái không may của một số cá nhân…

Trước 30. 4. 1975, nhiều HSMN đã trở thành cán bộ nhà nước, hoạt động trên nhiều lãnh vực phục vụ cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Nhưng sau 30. 4. 1975, HSMN vốn là một nhóm xã hội tương đối biệt lập mới hoàn toàn hòa tan vào những thay đổi và biến động lịch sử ở Việt Nam. Đã có những người như Phan Văn Khải, Ksor Phước, Nguyễn Bá Thanh, cũng đã có những người như Phạm Nhật Hồng. Cái giữ được mối liên hệ giữa họ với nhau hiện nay chủ yếu là ký ức, ký ức về nhau và ký ức về cha anh.

Tháng 5. 2013

Không có nhận xét nào: