expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Thu về muộn (tt)

Con Tấm
Người ta hay gọi cô gái nổi tiếng trong truyện cổ tích Tấm Cám là cô Tấm. Út nhà MF tên con Bống, do bà ngoại hắn bản chất gắn với ruộng đồng, con bống con rô, nên gọi nựng hắn rứa khi hắn mới được đẻ ra, mặt mày còn đầy vết sướt. Rồi hắn chết tên "con Bống" cho đến chừ. Khi hắn đi nhà trẻ, đi học mẫu giáo, mỗi lần hắn đến lớp là được cô giáo đón chào: “A ha, bống bống bang bang!!!” Khi vô học cấp một hắn sợ bạn bè biết tên cúng cơm này, dặn mẹ và ông đến trường đón đừng gọi Bống! Nhưng dường như khi lớn lên lũ nhóc này lại thích lại cái tên cúng cơm của mình, ai cũng nhớ hắn là con Bống, không mấy ai biết cái tên kiêu sa Bảo Chi do bác Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt cho một nửa, anh cu Bim hắn đặt cho nửa còn lại. Mà mãi sau gần một năm hắn mới làm khai sinh, cho nên ở tổ dân phố họ ghi tên hắn trong danh sách thiếu nhi là Nguyễn Thị Bống! he he. Ngọn nguồn là vậy, chơ không phải dựa hơi cái tên Bống của một cô ca sỹ nổi tiếng.
Những năm tháng đầu mới ra đời, hắn ngủ im re, không cần vòi vĩnh la khóc, ngủ quên cả bú, làm mẹ sợ hắn đói, cứ phải thức hắn dậy bú. Lớn tí hắn dạn như cục đất, mẹ làm thí nghiệm ở trường, bới hai anh em hắn theo vì khi tụi hắn nghỉ học không biết gởi cho ai. Đêm có khi mẹ làm khuya, cho hai đứa nằm ngủ trên bàn đá phòng thí nghiệm. ngày hai đứa chạy quanh chơi, cu anh kêu khát nước, mẹ nói qua khu tập thể sau trường xin các cô dì, cu anh 10 tuổi xấu hổ không đi, hắn 5 tuổi nói, để Bống đi cho, hắn lúc thúc chạy đi, một hồi quay về dí cho cu anh chai nước! Học cấp một, mẹ đi học xa, về nghe ông ngoại kể, cô giáo chủ nhiệm rất cưng hắn vì thấy chỉ có ông ngoại lọc cọc xe đạp đi đón, hắn ốm vô nằm bệnh viện, quen hết các cô ý tá, hễ hắn chạy ngang qua, ai cũng hỏi "Bống à?". Hắn ra Hà Nội ở khu tập thể 6 tầng thang bộ, ít ai để ý đến ai, nhưng hễ hắn chạy dọc cầu thang là bậc nào cũng nghe người ta hỏi “Bống đấy à …à…!”
Năm cấp 1 hắn có nhiều bạn thân, bạn thân nhất là Bình Yên, đến nỗi lên cấp 2 mỗi đứa mỗi trường, hắn học Nguyễn Tri Phương thấy trong lớp có bạn Bình An, về khoe: con đăng ký kết bạn với bạn Bình An, bạn ni tên giống bạn Bình Yên, các bạn thân nó chơi cho đến giờ, mà không hiểu sao hai bạn thân nhất này không thân nữa, trong khi tình thân của chúng nó làm ba mẹ chú bác chúng nó lại thân nhau cho đến giờ.
Lên cấp 3, con của MF đứa nào cũng trổ chướng, rút kinh nghiệm từ bản thân mình (hic), từ cu anh, MF kiên trì và nhẫn nại với các thay đổi của hắn. Hắn chơi thân với một nhóm gần chục đứa … toàn con trai, hắn như làm tướng tụi hắn, hắn khiến chi tụi hắn nghe theo (có thể vì tính hiếu bạn của hắn, di truyền từ mẹ :)), tụi hắn thân nhau cho đến bây giờ, khi mỗi đứa đã học ra mỗi nghề khác nhau, thỉnh thoảng hẹn nhau đi chơi chụp ảnh với nhau, như chưa từng có bạn trai, bạn gái riêng của từng đứa. Nhớ lúc cu anh hắn bị tai nạn xe nằm viện, hắn cùng đoàn bạn ni đang đi chơi mặc áo cờ đỏ sao vàng, kéo đến ngồi đỏ cả cửa phòng cấp cứu. Mà đến lúc đó mẹ hắn mới biết … hắn đã biết đi xe máy! (Mẹ hắn đang loay hoay cái xe để chạy vô bệnh viện, thì hắn nói để con chạy về cho! MF bỡ ngỡ vì vốn rất cương quyết trong chuyện không cho con đi xe khi chưa đến tuổi, kể cả cu anh đòi hỏi rất quyết liệt, mà cho đến năm học 12 hắn vẫn cứ phải chấp nhận để cho mẹ chở đi học). Khúc của hắn MF đỡ hơn vì MF không một mình lo lắng mà có thêm thằng cu anh phụ vô (hic, hắn kinh nghiệm đầy mình mà).
Rứa thì tại răng mà kêu là con Tấm, trong khi con Bống là bạn của cô Tấm trong truyện cổ tích? Đó là tên do các cô chú, anh chị bác sỹ, điều dưỡng trong khoa cấp cứu hồi sức gọi hắn, khi biết hắn tên là Bống, họ đổi tên hắn bởi sự quan sát hằng ngày của họ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Khi ông lâm bệnh mẹ đi khỏi, chỉ mình hắn ở nhà, hắn đương đầu với hoàn cảnh, tấm thân bé nhỏ phải đương đầu với đủ thứ, kể cả những kẻ khốn nạn vây quanh ông ngoại để trục lợi. Đến khoảnh khắc hắn rút điện thoại nhờ ông chủ tịch tỉnh giải quyết cái máy thở cho ông ngoại, trong khi mẹ tâm thần đầy bối rối, hắn hiển hiện cái bản lĩnh của con Bống bé nhỏ. Ngày ngày hắn sát cánh với mẹ, chăm bẵm, tắm rửa, làm vệ sinh cho ông, làm xong việc hắn lại ôm ông thơm thít, nựng nịu. mấy tháng trời sự cần mẫn của hắn làm ông tỉnh lại và dường như làm loãng tan những khái khó của những người làm chủ khoa cấp cứu. Công việc vất vả, nhọc nhằn nên các cán bộ y tế ít cười trong khoa, nhưng dường như ai cũng giãn nụ cười khi thấy hắn. Người nhà các bệnh khác bên cạnh đều thích hắn. Những chàng điều dưỡng trẻ thì cứ bước vào phòng là trêu Bống. Chính họ gọi hắn là Tấm.
Những tháng ngày này không có sự giỏi giang của hắn, không biết mẹ hắn sẽ ra sao. Mặc dù hắn chỉ có chăm ông ngoại thôi, chơ việc khác thì lười nhác như vưỡn: dọn nhà, rửa bát, ngủ dậy xếp chăn … không bao giờ nhé!! Hic
Ơn trên như biết hắn, trường Đại học Bách Khoa Marche đã thông báo cấp học bổng nghiên cứu sinh cho hắn! Mẹ con vừa vui vừa lo, rồi hắn đi học, mẹ sẽ ở nhà một mình với ông thế nào đây? Nhưng vì sự nghiệp của con mà. Có điều đêm nào mẹ con cũng ôm nhau ngủ, con chưa đi mẹ cũng đã bồi hồi lắm rồi.

MF viết bài này nhân ngày 20 tháng 10, ngày sinh nhật của con! Mẹ nói cho tiền để làm sinh nhật, coi như thưởng con thi đậu. Hắn nói năm nay để con tự lo. Hic, chẳng là hắn có đi làm thêm nên có chút đỉnh tiền mà, nên hắn oai phong lắm, đặt mua yến mấy triệu tặng ông này, tặng mẹ tiền để thay điện thoại cổ lỗ sĩ này…

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Thu về muộn

Nói muộn là bởi vì hằng năm, tháng 9 là Huế mưa ầm ào, như ngày nào ở Quế Lâm, mồng 2 tháng 9 thường làm lễ trong mưa, những bộ đồng phục thùng thình nhưng áo trắng mới tinh dành cho ngày này thường bị lem màu của những miếng giấy màu sặc sỡ trên chiếc vòng múa đồng diễn … vậy mà năm nay mấy cũng cứ thấy Huế còn nắng nóng.
Tết Độc Lập ngồi cạnh cha coi tivi, nói ba ơi, họ đang làm lễ mừng kỷ niệm ngày độc lập đó, cha xem chăm chú những màn duyệt quân hoành tráng, khen “đẹp quá, tuyệt quá”, những lời nói tỉnh táo của những ngày mê - tỉnh xen nhau, chợt Người sụt sịt, rồi nức nở … từ khi bị bạo bệnh đến nay là chẵn năm, chỉ thấy Người chảy nước mắt một lần hôm cha con hội ngộ trong cơn mê man của người. Người nghĩ gì, Người không thể nói, mình chỉ lo cơn xúc động làm tổn thương cha nên lau nước mắt cho người và làm chi phối cảm xúc của người bằng những lời bình cuộc diễu hành. Chính mình cũng nổi da gà khi những đoàn người đại diện cho các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ, đại diện cho các lực lượng quân dân trình diễn những bước đi dưới cờ hào hùng, những khuôn mặt sáng bừng, háo hức, hãnh diện và tràn đầy niềm tin đồng loạt ngẩng về phía khán đài, còn khán đài, trật tự hình như không so được với những đoàn quân đều tắp kia. Và ở đó, họ nghĩ gì về niềm tin trao gửi mình qua một biển ánh mắt sáng ngời hy vọng đang hướng về họ?
Tết Trung thu năm nay mình hăm hở mừng cho tụi trẻ con, vì thấy trời nắng ráo. Nhưng hình như qua mấy thu khó khăn với mưa, các đoàn lân nhí vắng bóng, chỉ những đoàn lân lớn, đầu tư hoành tráng, múa chật các ngả đường. MF mình không khoái điều này lắm, vì múa lân Huế cũng bắt đầu đi vào thực dụng, không hồn nhiên như ngày nào thấy Quế con điều hành gánh lân nhí của hắn, đánh trống đến toe tay, phải băng bó, mà thất vọng vì ít tiền để chiêu hiền đãi gánh khi “thu binh”, thấy con đau xót ruột, nói để mẹ cho ít tiền, hắn cấm cẳn “nếu cần tiền thì bọn con múa làm gì!!!”, ồ mẹ không hiểu hết thật, làm sao hiểu khi tụi hắn cả tháng trằn mình mặt mày lem luốc dán cho ra cái đầu lân lộng lẫy, rồi sau ba ngày múa là đốt rụi mất tiu, đó là một cái luật tâm linh mà tụi nhí tuân thủ hoàn hảo.
Quế MH ra Huế, một bất ngờ vì chưa bao giờ biết hắn chính hiệu là gái Huế! Đi tìm nhau, cũng vướng phải những đoàn lân đông đúc, hắn bận rộn với bà con, anh em, họ bố trí lịch chăm sóc hắn chật cả thời gian ngắn ngủi hắn dành cho Huế. Gặp nhau cà-phê chỉ phút chốc, nhưng sao thấy lòng ấm áp được ngồi với bạn nơi xứ sở của mình.
Và tháng Mười, tháng đẹp nhất trong lòng mình, lại đang về. Đẹp không chỉ bởi thu, mà bởi cha mình, con mình đều là những người của tháng Mười căng mọng yêu thương. “Ngày mai sinh nhật ông” cu anh nhắc phát làm mình giật nảy mình. Bận rộn ngày đêm với người, mình quên phắt, nhưng cháu ngoại ông, đứa cháu ông nâng niu trên vai bước theo đoàn lân trọn đêm trên các phố phường ngày xưa, đứa cháu ông kiên trì khép đôi chân hiếu động của hắn thời mới đi học, ngồi tập cho đọc Tam Tự Kinh … đang về phép thăm ông và thao tác cho luận án tốt nghiệp, nhớ! Trong hắn đang hình thành rõ rệt những suy tư của một nhà nghiên cứu, một tầm vóc của một nhà kiến trúc, nhưng chưa biến đi sự con trẻ của đàn đúm bạn bè, sự hờn dỗi cáu bẳn và sự đang đêm đòi mẹ chiên cơm. Hắn đang phân tích sự hình thành của các kiểu thành trì trong lịch sử Âu Á và giải trí bằng … truyện tranh Conan…
Làm chi để mừng sinh nhật cha? Mới ngày này năm ngoái, mẹ con đưa ông đi ăn nhà hàng vui vẻ, cắm hoa thật đẹp trên bàn, bây giờ những việc này không hiệu quả nữa. Quyết định báo trước anh y tá, ngày mai đến sớm chút, cả nhà … lên xe đi dạo. Ba vui vẻ nói cười suốt chặng đường, một sáng thu trời trong veo và chang chang nắng, người quở: nắng ghê gớm hè! Một câu nói thậm thông thường, nhưng sao mình thấy vui, vì cha có được những cơn tỉnh táo và sảng khoái.
Hôm nay là sinh nhật Quế con (cu Bim trắng tai đen), hắn đã bay sang bên kia rồi, mỗi khi hắn báo tin về phép, bạn bè hắn đùa: làng xóm đang yên ổn, xin con … bây giờ vắng hắn, lòng mẹ cứ chùng xuống, vài bữa nữa con em hắn, thiên thần của mẹ, lại cũng sẽ đi …

(còn nữa)

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

4. Già rồi là không được sống nữa

Các Quế và các anh Trỗi cứ ngạc nhiên sao MF cứ đem cha vô Sài Gòn làm răng hoài, là vì: MF từ lâu thấy cha cứ cực khổ với cái hàm răng giả, cứ ao ước có cách chi làm cho ba hàm răng cố định. Vậy là có một ngày đọc thấy vụ implant, nghĩa là trồng răng giả vào xương hàm, như răng thật. MF quyết tìm cách, nhưng không biết hỏi đâu, vì bệnh viện Huế chưa làm.
     Rồi một ngày cha bị áp-xe một cái răng, phòng khám Ban bảo vệ sức khỏe giới thiệu tới khám ở bệnh viện nha, MF chờ cha ở ngoài, thấy lâu, sau hơn tiếng thấy họ mở cửa, chạy vào thấy cha vẫn nằm, kêu là con chờ tí, ba mệt, môt chuyện ít xảy ra với con người vốn giỏi chịu đựng, vì sao ba mệt, họ nhổ luôn 4 cái răng cửa, họ nói trước sau cũng rụng! Trời! Thấu hiểu câu lương y là đồ tể! Hận quá mà ko biết nói sao, đưa cha về với cái miệng móm mém khác thường, MF nuôi quyết tâm làm răng cho cha! Lần tái khám, MF hỏi họ: trường hợp này có làm implant được không? Một anh Bác sỹ dầy dầy phẩy tay trả lời: gần chin chục rồi, làm làm gì? À, hóa ra họ nghĩ vậy, người gần 90 là không được quyền sống tiếp nữa …
     Những ngày ba nằm thiêm thiếp trên khoa cấp cứu hồi sức, ai vô, từ bạn bè đến bác sỹ, hỏi ông bao nhiêu tuổi, chín hai, ồ chín hai rồi còn gì … nghĩa là tuổi 92 ra đi là chuyện thường tình. Không cần phải để tâm nhiều đến chuyện phục hồi sức khỏe!?
     Có ai biết rằng mình cần cha còn sống với mình hơn ai hết trên đời này? Dẫu cha đã có những dấu hiệu lãng quên của tuổi già, đôi lúc cha quên cả đứa con mà những ngày xa xôi từ chiến khu ông viết đề thư không giống ai: “con duy nhất của ba …” thế nhưng, cha còn là mình còn …
Gặp lại cha sau 9 năm xa cách, kể từ ngày lần đầu gặp cha ngắn ngủi tại chiến khu Trị Thiên.