Ngày
14 tháng 11 năm nay, nhân dịp 50 năm ngày thành lập trường HSMN, chúng tôi,
những thầy trò đã sống dưới mái trường chung lịch sử ấy, một lần nữa ơn Đảng và
Chính phủ, cho chúng tôi được những ngày tràn ngập yêu thương sau 30 năm trời
xa cách. Tôi viết là “đã sống”, thay vì viết là “đã dạy và học”, vì thầy
trò chúng tôi đã sống như trong một gia đình có đầy đủ cha, mẹ, anh, chị, em.
Tôi xin dâng bài viết này lên các thầy, cô, má - những người không chỉ dạy mà
còn nuôi chúng tôi nên người. Những người thầy không gọi chúng tôi là “em” như
những học trò thông thường, mà chúng tôi gọi thầy cô má và xưng “con’,
xưng“cháu”, và thầy cô má gọi chúng tôi là “cháu”, là “con”. Những người không
ngày ngày từ gia đình đem sách vở tới trường để dạy chúng tôi, mà sáng dạy chữ,
chiều dạy chơi, tối kể chuyện và ru ngủ, rồi sáng dậy lại chăn từng đứa ra tập
thể dục! Đứa nào ăn không hết bát: lo, đứa nào ngồi gác chân lên ghế: mắng, đứa
nào đến giờ ngủ trưa không thấy: đi tìm!
Chúng
tôi chỉ muốn gặp lại thầy để nắm tay thầy mà hỏi: chúng con đã học hành, nhưng
cũng đã hư đốn lắm phải không thầy? Chúng con nghịch ngợm, chúng con đánh lộn,
chúng con trốn ngủ trưa, chúng con đùa giỡn suốt ngày nhưng chúng con thầm biết
thỉnh thoảng thầy cô má có những giây phút riêng tư rất nhỏ để nhớ về gia đình,
nhớ về những đứa con đẻ nơi xa xôi, tận miền Nam hay Thái bình, Hải Phòng, hay
Nam Hà, Quảng ninh. Chúng con biết câu khẩu hiệu mà thầy cô má thực hiện như
một thiên chức chứ không phải là một nhiệm vụ “Tất cả vì học sinh Miền Nam thân
yêu!”, chúng con biết có người đã dành trọn cuộc đời riêng cho HSMN, khi trường
giải tán, về lại quê hương sống một mình để rồi thỉnh thoảng lại mong nhớ lũ
học trò xưa!
Năm
1966, những ngày đầu tiên tôi trở thành một HSMN, lớp một, trường HSMN số 11, ở
khu sơ tán Móng Cái, Quảng Ninh. Thầy chủ nhiệm của lớp lúc ấy là một thầy giáo
chỉ khoảng 20 tuổi, tên là Mừng. Tôi mới từ Miền Nam ra, rất bé và hay ốm yếu,
một ngày tôi bị sốt rất nặng, không đến lớp được, sau khi dạy trên lớp về,
không biết kiếm đâu ra một ly chè đậu, thầy bón cho tôi ăn. Sốt cao, tôi không
thể nào nuốt được, thầy kiên nhẫn giỗ tôi: “ Cháu ăn đi rồi thầy cho quà” thầy
đưa cho tôi một cây bút chì xanh đỏ mới tinh, tôi nắm cây bút trong tay nhưng
vẫn không nuốt được. Thầy một tay bế tôi, một tay bưng ly chè, đưa tôi đến bệnh
xá, vừa đi vừa dỗ ăn. Mặc dù bây giờ tôi vẫn chưa biết được thầy đang ở đâu
nhưng hình ảnh này đã theo tôi suốt cuộc đời, vì những cử chỉ yêu thương vụng
về của thầy đã làm tôi không quá nhớ mẹ khi đau ốm.
Từ
lớp hai, chúng tôi có thầy chủ nhiệm mới ở khu sơ tán Đoan Tĩnh: Thầy Trường.
Khi ấy tôi học giỏi, nên có một lần thầy đi phố về, thầy nói với cả lớp: Kim Thanh
học rất giỏi nên thầy thưởng cho một món quà, nếu các cháu đều học giỏi, thầy
sẽ cho quà! Đó là phần thưởng đột xuất chứ không nhân dịp tổng kết gì cả, thầy
làm vậy để động viên cả lớp học, và tôi được một cây bút chì xanh đỏ hai đầu
(lại bút chì xanh đỏ, nhưng đối với chúng tôi thời ấy, bút chì xanh đỏ là món
quà đặc biệt lắm!). Thầy dạy nhiều môn như những thầy cô cấp một khác, nhưng
môn gì thầy dạy cũng hay, dường như thầy thổi hồn vào tất cả các bài giảng. Có
hai lần thầy giận chúng tôi: Khi còn ở Móng cái, một ngày thầy và má Sáu về
trường (trụ sở chung của trường) họp về muộn, chúng tôi mong thầy và má quá,
kéo nhau ra ngoài đường cái ô tô chạy đứng chờ, gần chạng vạng tối, chúng tôi
hè nhau lấy đá sỏi họ đang làm đường quẹt toé lửa chơi, thầy và má về thấy vậy
hốt hoảng, đưa chúng tôi về và sau đó không nói một lời. Chúng tôi len lén leo
lên sạp nằm cả lũ.
Lần
thứ hai, khi ở trường Nguyễn Văn Bé, Quế Lâm, Trung Quốc, hàng tuần thầy
đưa chúng tôi đi bơi sông ở một khúc sông rất đẹp, một lần mải đùa nghịch
quá, chúng tôi bơi quá vùng an toàn. Sau đó, đến ngày đi bơi, chúng tôi đến
thập thò nơi cửa phòng thầy, thầy bảo "rắn mặt lắm, thầy không cho đi
đâu", đó là hình phạt lớn, vì chúng tôi rất thích được đi bơi!
Tôi
từng chứng kiến một lần khóc của cô Mỵ, cô giáo phụ trách lớp khi chúng tôi học
lớp ba, cô kéo tôi ra góc vườn trường và khóc nức nở, tôi không hiểu gì, lúc
nguôi ngoai, cô nắm tay tôi vuốt ve và nói “Cô buồn thằng Tăng Kim quá, dạo này
sao nó không nghe lời cô, quậy phá, học hành sút kém. Nhưng cháu đừng nói gì
với chúng nó là cô khóc nhé!” Cô Mỵ lúc ấy cũng trẻ lắm, cô chưa có gia đình,
xinh và hiền như tên của cô! Tôi muốn nhắn về các bạn tôi: nếu các bạn biết
thầy cô đã từng khóc cho mình như thế!
Còn
má Sáu, một hôm bọn con trai trong lớp đánh nhau, can mãi không được, má vừa
khóc vừa dập ngửa đầu và tường: “ chúng mày có muốn má chết khô..ô..ng… hả!”
Bọn con trai lập tức nín khe, sau đó, bọn con trai rất ít khi đánh nhau.
Tôi
không biết có ai thưởng cho họ những phần thưởng nào cho sự nghiệp giáo dục hay
không, nhưng những người thầy ở trường HSMN nào của chúng tôi cũng sống với các
học trò mình như thế!