QUẾ MAFIA
Có một huyết thống tình cảm thật lạ, ngoài phạm trù sinh học, nó kết nối một mối tình tha thiết và mãnh liệt giữa những con người không có máu mủ ruột rà, chẳng bà con họ hàng, không cùng một quê hương, không cùng môt thế hệ, không cùng một mái trường và không kể gì đã biết nhau rồi hay chưa, hễ nghe xưng là HSMN, thì lập tức mừng tủi, sẵn sàng thương yêu, dìu dắt và giúp đỡ nhau...
Tìm kiếm Blog này
Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021
Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020
Trích đăng nhân sinh nhật 2020
Ngày tôi được sinh ra
... Tôi sinh ra ở bên kia chiến tuyến, gia đình bên nội tôi là dòng dõi quan lại (ông cố của cha tôi là Tiến sỹ Võ, tước Quế Dương Hầu, Phó tướng triều đình Tự Đức (vì vậy ông nội tôi được gọi là "Tôn viên"), bên ngoại tôi mấy đời nông gia thành công với phù sa bên dòng Thạch Hãn, do vậy đất đai nhiều, nhân công đông, nếu như ở miền Bắc thời cải cách thì gọi là “địa chủ”, ông ngoại tôi được dân bầu làm lý trưởng, quán xuyến việc hương hỏa, dân làng. Chức danh này không mấy gây cảm tình cho lực lượng những bần nông làm cách mạng.
Tuy nhiên tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt! Ông nội tôi mất khi cha tôi mới lên 3 tuổi, bà nội ở vậy thờ chồng, nuôi con một mình nên gia cảnh khó khăn dần, ruộng vườn phải nhượng bán, những kẻ hợm đời thường ức hiếp. Trong hoàn cảnh đất nước lâm vào thế giặc Pháp xâm lược, nội tình đất nước cũng như hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bà nội tôi không đủ sức nuôi cha tôi đi học xa để có thể đỗ đạt cao, cha tôi chí ham học hành, nhưng hoàn cảnh không cho phép, 15 tuổi phải vừa dạy học vừa tự học, khi những người tri thức gặp nhau trong hoàn cảnh đó, họ đã cùng đồng chí hướng và quyết tâm làm cách mạng. Mười sáu tuổi ông tham gia cách mạng và mười tám tuổi ông vào Đảng Cộng sản ĐôngDương.
Ông đam mê làm cách mạng, đam mê những ý tưởng giải phóng dân tộc của nhà Cách mạng Hồ Chí Minh. Nói như Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày”, chẳng bao lâu cha tôi bị Pháp bắt tù
trước nỗi thảng thốt khổ đau của người mẹ và hàng chục cặp mắt ngây thơ ngơ ngác của lũ học trò làng đang ngồi trong lớp. Cha tôi tiếp tục sự nghiệp của mình trong tù, và ông được tự do khi Nhật đảo chính Pháp. Rồi ông để mẹ già ở lại, tiếp tục theo đuổi niềm tin trên con đường chông gai của mình. Mẹ tôi vượt qua sự cản trở của gia đình, đến với cha tôi khi Người tham gia cách mạng và ở tù, bà đợi chờ và sát cánh cùng chồng trên con đường gian khó. Họ yêu nhau trong hoạn nạn, cưới nhau trong khó khăn. Địch lùng bắt ráo riết. Cha tôi lại phải để vợ con lại cho mẹ, hoạt động thoát ly. Ba chị em chúng tôi ra đời từ những cuộc gặp gỡ đầy gian truân của cha và mẹ.
Khi mẹ có chửa tôi, để tránh dị nghị, nghi ngờ của những lực lượng “chống Cộng”, hễ thấy bóng ai đi ngang ngõ là bà nội tôi lấy bẹ chuối đập sạt xuống chõng tre, hét to “con tao đi khỏi, mi đi với thằng nào cho to bụng ra?...”. Rồi cũng đến cái ngày tôi được cha mẹ sinh ra, đó là một ngày đầy ký ức: Mẹ thường bới cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng, đêm chuyển dạ, bà không đi được. Cán bộ đành phải tự mình lên khỏi hầm đi lấy thức ăn. Đêm ấy, thám báo rình bắt được ông Lê Diệu, họ hành xử bằng cách lấy đòn xóc (giống như đòn gánh nhưng nhọn 2 đầu để xóc vào 2 bó lúa gánh cho dễ) đâm vào thân thể ông đến nát, rồi treo lên hàng rào ngoài làng, để mọi người xem như một lời cảnh báo cho ai dám làm cách mạng! Như vậy ngày tôi sinh, cũng là ngày một nghĩa sỹ vĩnh biệt. Xã gọi bà nội và mẹ tôi bồng tôi lên, họ nhìn mặt và nói: “Mặt này là mặt thằng Kim chớ mặt ai nữa mà cứ giả đò kêu chửa hoang?”, rồi vì mẹ tôi mới sinh nên họ cho về, nhưng giam bà nội tôi lại để ngày ngày khảo tra, mẹ tôi kể: khi về, hỏi họ có làm gì không, bà nói không, nhưng bà khẽ rên và nằm sấp, mẹ tôi giở lưng áo ra, thấy da dẻ bị rách nát tím bầm, họ trị tội chứa chấp Việt Cộng của bà, tức là đứa con trai duy nhất của bà. Chưa hết, họ tập trung hết người trong thôn xã lại, bắt ngồi cả ngày ngoài nắng để tập huấn, chờ cho đến khi nào họ khai nhận có chứa chấp Việt Cộng thì thôi, vì chứng tỏ cha tôi đã về nhưng không ai chịu khai báo! Tuy vậy, không ai chịu nói gì. Thấy dân làng ngày ngày bị phơi nắng, chịu không nổi, mẹ tôi bồng tôi đang đỏ hỏn đứng lên nói: “Thưa xã, tôi công nhận đứa con này là con của chồng tôi, nhưng đó là kết quả của một buổi đi rừng lấy củi, tình cờ vợ chồng gặp nhau trong rừng, tôi làm tôi chịu, không liên quan gì đến bà con, đề nghị xã thả cho bà con về, và nhân đây cũng nhờ xã bắt giùm cho được chồng tôi về với, chứ tôi cứ sống vắng chồng mãi thế này cũng cực lắm!” (câu chuyện này nhiều người bạn trong trường được cùng nghe bà Én, một người trong làng kể, khi đưa đám tang mẹ tôi về quê nội). Sau đó bác tôi đặt cho tôi tên là “con Sâu”, nghĩa là “con sâu làm rầu nồi canh!”. Và cũng do vậy, thông thường thời ấy ít ai nhớ ngày sinh của con, nhưng mẹ tôi không bao giờ quên ngày 21 tháng Tư âm lịch (thực ra đó là ngày 30 tháng 5 trong lịch dương)...
Trích lại bài đã đăng
21/4/2020
Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018
Thương con
Đang xem lại tài liệu trên máy tính, gặp bài viết từ 7 năm trước, đưa lên đây cho con mình đọc.
Tình cờ thấy con lưu bài hát “kính cận” trên máy mẹ, lòng mẹ bỗng rưng rưng… con gái cưng của mẹ ui, mẹ sinh con ra, mẹ được một hĩm yêu thỏa nguyện vô cùng! Con xinh xắn, con ngoan ngoãn, con đáng yêu như mẹ hằng mong ước! Từ lúc mới sinh con đã ngoan như có thể, con ngủ ngoan đến nỗi mẹ lo con đói sữa, phải thức con dậy bú, vậy mà con cứ ngủ ngon lành, đêm con để mẹ ngủ như mẹ không hề có con nhỏ. Ngày ai nhìn đến là con mỉm cười, chua đầy tháng tuổi con đã biết cười, con cười thực sự chứ không phải cười “mụ dạy”, ai cũng bảo, nó mang niềm vui đến cho cả nhà! Bảo Chi, là đứa con yêu dấu của mẹ đó! Mỗi ngày lớn lên của con đều đáng yêu như thế, con vừa ngoan, vừa thông minh và không thiếu những tố chất mạnh mẽ, quyết liệt. Những ngày con còn học mẫu giáo, khi mẹ và anh con đang bồng bế con, mà mẹ đã cảm giác khi lớn lên con sẽ tự lực tốt, sẽ là điểm dựa tinh thần cho mẹ và anh! Từ bấy cho đến giờ, có những lúc mẹ đã giận con, mắng con, thậm chí có lúc đã cho con ăn roi, nhưng thực sự mẹ chưa bao giờ thấy con làm gì quá sai trái, chỉ là những thử nghiệm tuổi trẻ của con làm mẹ lo lắng! Mẹ thấy hạnh phúc vì con đã sống như mẹ mong ước: đáng yêu, mạnh mẽ và trung thực.
Khi học lớp 3, phát hiện ra con bị cận như anh, mẹ buồn đến không ăn được. Ngày trước khi biết anh con bị cận, mẹ đã buồn và lo lắng đến nẫu ruột, ngày qua ngày rồi cũng tự an ủi mình “nó là con trai” để buộc mình phải chấp nhận sự thật. Nhưng đến lượt con gái yêu của mẹ, rồi lại phải gắn liền cặp kính trên đôi mắt trong trẻo kia, ngày lớn lên, con có buồn không…
Ngày xưa, khi anh con về khoe với mẹ: tụi hắn gọi con là 4 mắt đó mẹ! Mà nó cười vui vẻ, làm mẹ nhẹ lòng! Rồi đến con, con chưa bao giờ phàn nàn về đôi mắt mang kính của mình, khi mới mang kính, con khoe với mẹ: bạn con nói con mang kính xinh hơn mẹ ạ! Rồi ngày vô trường điểm Nguyễn Tri Phương, con cười nhận xét: toàn bạn mang kính mẹ ạ! Lòng mẹ cứ rưng rưng, con toàn tìm cách thích nghi và vui với cặp kính của mình, dường như con còn tự hào nữa! Các con yêu dấu của mẹ, ai đó tưởng chừng như mẹ bất hạnh, nhưng mẹ cảm được cuộc đời hạnh phúc của mình khi có con trai, con gái tuyệt vời, mãn nguyện như mẹ có thể ước nguyện. Không ít gian nan vất vả, nhưng mẹ đã thành công trên chặng đường làm mẹ của mình, song song với một sự nghiệp cũng hoàn toàn đang mãn nguyện như từng ao ước. Có gì hạnh phúc hơn thế, khi mà người ta thường nói mất cái này thì được cái kia. Mà mẹ lại còn hơn thế, là cùng đồng hành với những hạnh phúc này, mẹ còn được trọn vẹn báo hiếu cho cha mẹ của mình!
Cả một buổi chiều ngồi chờ đợi chuyến bay về tại sân bay Côn Minh, Trung Quốc, mẹ mở bài hát “kính cận” mà con đã cài vào máy mẹ, mẹ nghe mãi không chán nhưng ca từ giản dị như chúng đang hát về con của mẹ đấy thôi:
Kunming 3.5.2011
Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017
NGHĨA THẦY
Lúc 5 tuổi, sau khi anh Khánh tôi mất, mạ (mẹ) bắt đầu cho tôi đi học ở làng. Sau này lớn lên tôi mới biết rằng cha tôi dù xa xôi, vẫn luôn dặn gia đình, bà con, dù hoàn cảnh thế nào, cũng phải cho con cháu được học hành. Học ở làng (coi như lớp vỡ lòng) là tôi vào học lớp của một ông giáo trẻ trong làng tên Khảm. Sau này anh thành rể bên bà o (cô) tôi, là chồng của chị họ tôi tên Thương. Đến nhà tôi gọi anh là eng (anh) Khảm, nhưng đến lớp tôi vòng tay thưa thầy rất đàng hoàng. Thời đó thầy dạy chúng tôi ra đường thấy người lớn phải vòng tay thưa, bởi vậy có khi trên đường đi học, một đám cưới đi ngang áo xanh áo đỏ rầm rộ như trong bài hát của Hoàng Thi Thơ (ông này người làng Bích Khê sát cạnh làng tôi), mà chúng tôi cũng vòng tay chào cho hết đoàn, ê ẩm! Chị họ tôi khi đó mới yêu thầy tôi nên mỗi lần đi ngang lớp học thấy cứ lấy nón che che mặt ra vẻ xấu hổ. Lớp này nhiều học trò lứa tuổi khác nhau, mấy anh con trai ham chơi viết chữ xấu, hay làm đổ mực ra tay, ra bàn, bị thầy lấy thước kẻ vuông khẽ vào mu tay, anh nào nói khó nghe lắm thì quỳ lên vỏ mít, bò trên sân có rải sỏi. Con gái ít bị phạt hơn. Tôi học thuộc lòng từ thầy 23 chữ cái a, bê, xê, dê, đê … đến ix-ờ (x), i-cret (y), việc này có lợi cho tôi suốt cuộc đời là vào tra từ điển rất nhanh. Rồi thầy cho ghép chữ, chứ không học đánh vần kiểu miền Bắc i-tờ tờ i-ti hoặc a, bờ, cờ …
Cũng không nhớ học đến bao lâu thì tôi ngừng học, nhưng nhớ là chưa vô trường tiểu học thì mụ (bà cô) của tôi, người thường dẫn tôi đi chùa bắt tôi chép kinh Phật bằng âm Phạn, mụ đọc sao tôi chép vậy, mà thấy mụ êm hết, nghĩa là tôi không chép sai.
Đến sáu tuổi mạ tôi tính cho tôi đi học trường tiểu học ở xã tôi là xã Triệu Quang (là xã Triệu Long bây giờ), nhưng nghe mạ tôi kể lại là trường xã không nhận, vì ba tôi là một Việt Cộng đầu sỏ, trường sợ bị liên lụy, anh Khánh tôi vốn học trường này, họ muốn đuổi nhưng anh tôi học giỏi và thông minh nên họ tiếc, giữ lại. Sau đó thấy mạ nói thầy Viễn hiệu trưởng trường Tiểu học Hà My (sau khi tôi đi được đổi lại là Tiểu học Cộng đồng Hà My, ngay sau ngày giải phóng Quảng Trị, tôi về thăm lại, thầy trường đổ sập bởi bom đạn, nhưng tấm bảng tên trường còn đó, đổ nghiêng một bên, đề là Trường Tiểu học Cộng Đồng Hà My), xã Triệu Vinh (nay là Triệu Hòa) nhận tôi qua học trường bên ấy. Trường cách xa nhà tôi đâu khoảng bảy cây số. Thầy Viễn là con ông Hào Tấn, một nhà có gia thế trong làng. Thầy đi đến trường bằng xe đạp, một hình ảnh rất oai ở quê tôi thời đó (giống đi ô tô bây giờ vậy). Buổi sáng tôi đi bộ đến trường, dung dẻ cùng một vài bạn học cùng trường. Thấy tôi đi bộ xa tội, mẹ tôi gửi tôi ở lại nhà một bà o, nhưng vài bữa tôi nhớ nhà, không chịu ở, đòi về đi bộ thôi. Thầy Viễn hay chở một thằng (không nhớ tên chi, chỉ hay gọi hắn là thằng Cu) cùng đi học bên Hà My, hắn bà con gần với thầy. Thỉnh thoảng thằng Cu này vì sao đó không đi học hoặc ai đó chở rồi, thì nếu gặp tôi trên đường là thầy bảo tôi leo lên xe thầy chở. Mỗi lần vậy đến trường thấy bọn bạn có vẻ nể mình, nhưng tôi cũng không để ý chuyện này lắm. Trường khi đó hình như được đầu tư trường điểm sao đó, thấy họ viện trợ nhiều bàn ghế mới đánh véc ni, hộp mực không đổ, bút chì vẽ màu vàng có cục gôm… cho học trò. Buổi sáng thứ hai mỗi tuần chào cờ, hát quốc ca “này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng …”, nhưng chỉ có mấy anh chị lớp ba trở lên mới được hát, chắc họ sợ tụi nhóc tì chúng tôi hát bậy.
Học hết lớp Năm (tức lớp Một), cuối năm thấy họ bảo có một số bạn trong lớp được phần thưởng nhưng phải tự nộp mấy quyển vở mới, rồi sau họ sẽ dùng đó làm phần thưởng cho chính bạn đó, tôi lơ ngơ không biết mình có trong danh sách thưởng không, nhưng về bảo mạ mua vở nộp, nộp rồi không thấy mình được thưởng (😊). Qua hè 1964, tôi lên lớp Tư (tức lớp Hai), tình hình chính trị lúc đó hình như rất căng. Trong làng luôn có báo động giả Việt Cộng về để tập dượt dân làng chống Cộng, đồng thời xem thái độ những nhà thân Cộng. Một ngày cuối tháng 10 năm 1964, mẹ tôi bảo tôi ngày mai qua dốc Sỏi ăn cưới chị Đương, con cậu ruột tôi. Tôi thấy lạ vì mẹ tôi đã đi ăn cưới chị vài ngày trước đó, tôi đòi đi, đâu có cho đi? Nhưng sau rồi cũng vui sướng vì sắp được tham dự một sự kiện mà thời đó không mấy khi một đứa con nít như tôi được dự. Không ngờ đó là ngày mẹ bí mật đưa tôi lên chiến khu. Sau đó ba gửi tôi ra miền Bắc, lưu lạc qua các trường Học Sinh miền Nam cho đến mười năm sau mới trở về.
Sau này lớn lên, tôi cứ băn khoăn, vì sao thầy Viễn lại liều mình cho tôi đi học ở trường thầy, trong khi trường xã tôi lo sợ từ chối? Thầy không sợ sao? Tôi cứ tự vấn mãi về chuyện này. Giải phóng, mỗi khi có dịp về quê, dù lúc đó cũng đang còn rất trẻ, nhưng tôi luôn hỏi thăm thầy Khảm và thầy Viễn, người ta nói thầy đi đâu trong Nam, không tin tức gì.
Mãi gần đây tình cờ nói chuyện với một ông anh trong họ tên Võ Cẩm, anh cho tôi hay thầy Viễn còn sống, ở Đà Nẵng, đang bị tai biến nằm một chỗ. Ông cho tôi cả số điện thoại nữa. Tôi giữ vậy và chờ cơ hội đi Đà Nẵng. Thật ra Huế với Đà Nẵng đi có 2h xe chạy, nhưng hoàn cảnh của tôi ra khỏi nhà khá là vấn đề, khi cha ốm nặng nằm một chỗ mấy năm trời rồi.
Tết rồi con gái học xa về, rủ hắn mẹ con mình đi Đà Nẵng thăm thầy cũ của mẹ, vì chỉ có đi vì một mục đích đó mới thực hiện được, còn nếu kết hợp thì rất khó để tôi để tâm tìm thầy. Vào đến Đà Nẵng, gọi số liên lạc, hóa ra đó là số của con gái thầy. Xin địa chỉ và tìm. Khả năng tìm đường, nhớ đường của mình hay đến nỗi có người từng nói mình thuộc hạng “ngu về đường” (vì họ không dám nói mình ngu toàn tập!). Loanh quanh mãi thì cũng ở trong Đà Nẵng, sau mấy cú chạy lạc, tôi cũng đỗ xe được đúng địa chỉ 172/3 Nguyễn Duy Hiệu. Thẩy cổng nhà thầy khang trang, mừng trong lòng, chắc cuộc đời thầy khá thuận buồm xuôi gió. Có người ra hỏi, tôi nói ở ngoài làng Đâu Kênh vô thăm, người ấy mừng rỡ kêu thầy có người làng vô thăm. Bước vào ngồi chờ, thấy thầy đi nạng ba dùng cho người già sau tai biến. Mái tóc bết lại vì nằm nhiều. Trong ký ức tôi chỉ nhớ dáng người cao ráo của thầy, chơ khuôn mặt thì rất mờ nhạt, có lẽ thời ấy nhỏ chút, nhìn đâu thấu mặt thầy! Chào thầy, tự giới thiệu con trong xóm Triêu, con ông Kim, ngày xưa đi học … bla.. bla, thầy cứ trầm ngâm, hình như không hề nhớ ra điều gì, con bé này là ai. Chặp sau chi xui, tự nhiên nhớ ra cái tên trong xóm hay gọi mạ, chẳng là chị Nguyên, chị đầu của tôi, khi mới đẻ ra đã bị bỏ vô thúng chạy giặc Pháp càn, nên có tên cúng cơm là “con Trốn” (như tên cúng cơm tôi là “con Sâu”), ở quê tôi hay kêu tên con, nên trong xóm kêu mạ tôi là “mụ Trốn” (từ sau khi thoát ly lên chiến khu, không ai còn gọi mạ bằng tên này nữa), tôi nói với thầy “con là con mụ Trốn”, tự nhiên thầy như bừng tỉnh. Thầy nói “con ông Kim”, dạ thì con nói thầy rồi. Rồi thầy nói một câu mà tôi ngỡ ngàng: “ngày xưa tôi là trò của thầy Kim!”, ồ, tôi không hề nghĩ đến tình huống này bao giờ, thỉnh thoảng tôi kể với ba tôi chuyện về thầy Viễn, ba tôi cũng không nói với tôi chuyện này bao giờ. Câu hỏi trong lòng tôi hơn 50 năm đã được hóa giải. Vì nghĩa với thầy (ba tôi) mà ông (thầy Viễn) đã không nề hà việc nhận tôi vào học trường thầy, thậm chí thỉnh thoảng còn chở tôi vắt vẻo sau xe đạp, trong khi cái đầu cha tôi lúc ấy được treo rất cao giải, khiến một số người thường rình rập sau nhà tôi để hòng trúng cơ trời, trong khi phong trào “Tố Cộng, Diệt Cộng” đang lên đến đỉnh điểm. Đó là chưa kể cái đứa tôi, trong làng trong xã không ai không biết, vì khi được đẻ ra đã làm cho cả làng bị bắt lên xã ngồi phơi nắng trên sân xi măng cả tuần để chỉnh huấn về tội che giấu việc cha tôi về để đẻ tôi ra! (đó là lịch sử cái tên “con Sâu” của tôi, “con sâu làm rầu nồi canh”).
Cho đến nay, tôi chưa có cơ hội trở lại Đà Nẵng thăm thầy lần nữa, nhưng lòng tự hứa sẽ trở lại. Cũng nghĩ mình phải viết lại câu chuyện này, mà mãi đên hôm nay, dự mấy ngày lễ hiến chương nhà giáo tại các trường mình từng dạy, đón các học trò cũ đến thăm hỏi, lại ngẫm lại câu chuyện này. Mọi năm dịp này tôi thường đi thăm thầy cô cũ của mình và của con quanh thành phố, nhưng mấy ngày nay xui xẻo bị ngộ độc thức ăn, mệt mỏi, lại bận chăm cha nên không đi ra nhiều, đành ngồi nhà nhắn tin chúc mừng các thầy cô giáo, bạn bè giáo, và ngậm ngùi biên những trầm ngâm của mình về những người thầy trong ký ức.
Cho đến nay, tôi chưa có cơ hội trở lại Đà Nẵng thăm thầy lần nữa, nhưng lòng tự hứa sẽ trở lại. Cũng nghĩ mình phải viết lại câu chuyện này, mà mãi đên hôm nay, dự mấy ngày lễ hiến chương nhà giáo tại các trường mình từng dạy, đón các học trò cũ đến thăm hỏi, lại ngẫm lại câu chuyện này. Mọi năm dịp này tôi thường đi thăm thầy cô cũ của mình và của con quanh thành phố, nhưng mấy ngày nay xui xẻo bị ngộ độc thức ăn, mệt mỏi, lại bận chăm cha nên không đi ra nhiều, đành ngồi nhà nhắn tin chúc mừng các thầy cô giáo, bạn bè giáo, và ngậm ngùi biên những trầm ngâm của mình về những người thầy trong ký ức.
Vợ chồng thầy Viễn |
Thầy Viễn bây giờ |
Về thăm lại trường, lớp sau 51 năm (2015) |
Trường Tiểu học Hà My bây giờ, được xây dựng lại tương tự ngày xưa. |
Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017
Con nhà giàu - Con nhà mình
Vừa đọc bài “Kỳ nghỉ Hè của hội “con nhà giàu Instagram”của Minh
Nhật trên báo Dân Trí. Không hiểu phóng viên tổng hợp và đưa vấn đề này lên để
làm gì, nhưng MF chạnh lòng nghĩ đến con mình và những đồng tiền của chúng.
Con MF chưa đi làm, tên đầu chỉ mới bắt đầu sự nghiệp được vài
ngày, mặc dù tuổi đã 30, nhưng chúng có lý do chính đáng, là chúng dành hết thời
gian đầu đời để hoàn thành các sự học hành mà con người ta phải làm và muốn
làm.
Nói là “đồng tiền của chúng”, đó chưa phải là lương, mà là tiền học
bổng chúng lấy được từ chương trình đào tạo nghiên cứu sinh của chính phủ
Italy. Trong khi nhiều bạn khác đi học tự túc từ tiền cha mẹ, vẫn đi chơi tiêu
xài thoải mái, “đã có ông bà già lo” – câu nói cửa miệng của họ, họ biết cha mẹ
cần họ học hành, bằng cấp, thì bọn nhỏ nhà MF biết mẹ chúng lương nhà giáo rất
có hạn, và một điều thú vị là giờ đây thu nhập của chúng cao hơn mẹ rất nhiều.
Bởi vậy chúng ra tay “tài trợ” lại cho mẹ.
Trước tiên là cu anh, khi chưa đi học, bạn bè nhiều, đôi khi cũng
tiêu xài rộng rãi lắm, nhưng đi học xứ người, anh chàng chỉ ngày đi học và làm
việc, tối về nấu nướng ăn uống xong lên mạng chát chít, xem truyện tranh (he
he) rồi ngủ. Tiền tích lũy mỗi lần về hay có ai về, chàng lại gửi về cho mẹ. Có
lần nói với hắn mẹ gửi tiết kiệm cho con từng ni từng ni, hắn nói: mẹ mệt i, tiền
nớ tiền dùng chung cho cả nhà chơ! Cả nhà đây là ông ngoại, mẹ, em hắn và hắn. Thỉnh
thoảng về hắn rút túi dúi cho em hắn ít tiền tiêu vặt nữa. Bảo hắn con tranh thủ
đi du lịch vài nước, quan sát cuộc sống và trải nghiệm, so sánh các mô típ kiến
trúc khác nhau. Hắn nói con đi chơ, nhưng đi đủ thôi, đi nhiều mà chi cho tốn
kém, con có cách học của con. Đó là điều đáng ngạc nhiên, vì khi hắn có tiền, hắn đã biết giá trị của tài chính của bản thân và gia đình.
Con em hắn nối tiếp hắn giành được học bổng, tên này thì tính hướng
ngoại nhiều hơn anh hắn, ham đi, ham biết, với hắn, khóa học ngoài việc học
hành, như là một chuyến du ngoạn. Ở một chỗ hắn chán, nên có bất cứ cơ hội nào
rảnh học là … hắn đi. Không biết hắn trả cho các chuyến đi đó như thế nào,
nhưng mỗi lần về cũng đưa “của để dành” cho mẹ không thua gì anh hắn. Mẹ có sang
bên đó, hắn lo cho mẹ đầy đủ, hai mẹ con đi chơi mấy nước hắn bao hết (hic, mẹ
hắn vẫn nghĩ mình là mẹ thì luôn bao bọc cho con). Rồi ông ngoại nằm viện, hắn
ngoài việc mua vé bay về chăm ông, còn đưa mẹ tiền trả viện phí cho ông. Còn sắm
đồ về bày biện nấu ăn các món Ý rất tốn kém, mẹ hắn nóng ruột, hắn nói “con
toàn mua đồ rẻ”.
Chưa bao giờ MF dám vỗ ngực con mình ngoan, bởi mấy tên này cá
tính cùng mình, MF cực với con không ít, nước mắt chảy vì con không ít.
Nhưng hôm nay đọc bài báo kia, ngẫm ra các Quế con của mình phóng khoáng, hào hiệp thật chính đáng. Dù rằng cuộc đời của các con cũng chỉ mới
bắt đầu.
Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017
The Buffalo (Bubalus bubalis) – Production and Research
The Buffalo (Bubalus bubalis) – Production and Research
Vo Thi Kim Thanh and Egil Robert Orskov
View Abstract Purchase Chapter
Protein Digestion and Metabolism in Buffalo
- Pp. 180-195 (16)Vo Thi Kim Thanh and Egil Robert Orskov
View Abstract Purchase Chapter
Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)