expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

BÀI CA THỐNG NHẤT

Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: BÀI CA THỐNG NHẤT:


TRỞ THÀNH MỘT HSMN (tiếp theo)

Đêm nay TV phát trực tiếp chương trình nghệ thuật “Bài Ca Thống Nhất” bên ven bờ Hiền Lương (anh “Trỗi” Đỗ Nghĩa đi qua cầu đúng thời khắc này, thế mà gọi điện cho Mf nói ậm ự: anh đang đi qua cái cầu gì ở một thị trấn gì ấy, thấy họ đang làm lễ kỷ niệm gì gì…đó, trời tối hù à, không thấy gì cả...), bên chiếc cầu lịch sử một thời là sự nhức nhối của đau thương chia cắt, của sự ao ước Thống Nhất đến tột cùng! Tuổi thơ của các Quế chúng ta lăn lộn trong nỗi niềm ấy!
Câu chuyện đã lâu Quế MF đang nói dở về cuộc “trở thành một HSMN”, một hành trình rời quê hương để rồi cả một tuổi thơ đó hiểu hơn bọn trẻ con nào hết khái niệm về cặp từ THỐNG NHẤT này! MF đang kể về cuộc lên rừng gặp cha, người cha hắn chỉ mới biết trong tiếng thầm thì của bà nội, của mẹ, của tâm thức đứa con yêu đấng sinh thành. Trạm cuối mà các chú giao liên và mẹ con hắn dừng chân gọi là trạm chú Tám. Lúc ấy hắn không hề biết đó chính là căn cứ của cơ quan tỉnh ủy Quảng Trị. Mấy ngày ở đó hắn thích thú vì trạm nằm trong rừng sâu, gió ngàn thổi ầm ì vang vọng một âm thanh trầm hùng rất lạ lẫm! Hắn thường tha thẩn ngoài rừng, xem ngắm vô số cây cối, sinh vật lạ, những con dọoc nhiều màu, những con chim chẳng biết chim gì hót hay tuyệt! Thỉnh thoảng giữa rừng già có những khoảng trống bừng nắng, những cây sim, cây ổi rừng vô cùng hấp dẫn con nhóc hắn. Có lần hắn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một cây đùng đình đang chín trái, chuỗi trái chùm xanh, chùm vàng rực rỡ rủ xuống như mái tóc của một cô đầm!...Phía trước trạm là một dòng suối chảy qua, dưới lòng suối có những viên cuội đủ màu sắc, hắn lượm chúng và nói “để dành đem về cho mấy đứa dưới làng!” những tưởng ít lâu nữa lại được về làng (mặc dù có mẹ cùng ở đó rồi mà ngày nào cũng khóc đòi về vì nhớ nhà, nhớ bà, nhớ bè bạn…), ấy vậy mà mười năm sau hắn mới được trở về!
Một ngày đang chơi đùa với các chú trong trạm thì thấy các chú có vẻ chộn rộn, xôn xao “Anh về!” “Anh về”! Rồi mọi người ra ngóng trước suối, bên kia suối là một trảng cỏ, không nhớ lúc ấy là sáng hay chiều nhưng ánh nắng vàng chiếu xiên từ rừng già xuống hắt nhẹ lên một đoàn quân đang hối hả đi về phía trạm, mọi người chạy lúp xúp, mũ tai bèo, quần áo lính giải phóng, một người đi đầu, không chạy mà sải những bước rất dài với cây gậy mây, dáng cao lớn hơn hẳn, cũng mũ vải nhưng to hơn và bằng chóp chứ không tròn chóp như mọi người, một hình ảnh đẹp lộng lẫy và oai hùng đầy ấn tượng mà hắn chợt thấy, linh cảm thật lạ, không ai nói gì nhưng con bé chắc mẩm đây là cha mình! Người sải tiếp những bước dài thẳng tới rồi thả gậy bồng xốc hắn lên! Con bé nép đầu vào vai cha, rồi Người cứ thế bồng con vô lán! Mấy chú vây quanh: Thử không nói chi coi hắn có nhận cha khôông, ai dè…
Mấy ngày sau đó hắn quấn lấy Người, thỉnh thoảng cha bồng con xuống suối, ngắm nước, ngắm cá và hỏi han: dép con mô? Tui để quên ở dà (nhà đóo, he he)! Răng mà xưng tui với ba như tui thợ rèn rứa? Xưng là con chớ! Dạ, con quên ở dà! Để khi mô các chú về đồng bằng, ba dặn mua cho một đôi dép cao su nhỏ! (Hix, hắn không thích tí mô, suốt tuổi thơ hắn thèm một đôi dép săng-đan như con mấy người nhà giàu ở tỉnh về, nhưng mạ hắn không dám mua. Trước khi lên đây hắn có đôi dép xốp bà cô mới mua cho, nhưng vội đi quá quên mất (ở làng toàn chạy chân đất mừ!) Khi lên trạm ni, thấy có ông tên Kinh, người to như hộ pháp, hay đi đôi dép cao su có kiểu quai trước lạ lùng là chỉ xỏ ngón chân cái, hắn thấy ghét ghét thế nào, cứ lén cầm vứt của ông ra ngoài rừng, nhưng lạ là cứ hôm sau lại thấy ông đi nó, lại vứt, nó lại về, là vì hắn cứ tưởng mình vứt được xa lắm! Chỉ những ngày gần đây, thấy ba chứng nhận cho bưu điện Quảng Trị để làm thủ tục truy tặng ông danh hiệu ANH HÙNG, hắn mới té ngửa, ông chính là người cần mẫn lái đò, chèo chống trong bom đạn để đưa quân và thư tín lên về đồng bằng và căn cứ, lẽ ra được phong danh hiệu cùng lần với Anh Hùng Trần Thị Tâm, nhưng không biết sao họ làm thất lạc…đọc những dòng chứng nhận đầy tâm huyết của ba, hắn tuôn trào nước mắt!!)
Rồi ba lại đi, hắn lại ngóng chờ, có lần ba đã ra ngoài rừng xa, hắn đòi chạy theo, bị mẹ cho ăn roi, hắn gào lên cho ba nghe thấy, tiếng ba trong gió ngàn vọng về: “Đừng đánh c..o..o..n!”
Sợ con những ngày ở đó thất học, mỗi lần về Người tranh thủ ra bài cho hắn học, làm toán, hắn làm ngon ơ, nhưng văn, ui chao đề chi mà lạ: “Vì sao con lên đây?”, hức, hắn để trống trơn tờ giấy, Người kiên nhẫn giảng giải, hắn chẳng nhớ gì…”Bác Hồ là ai” hồi ở nhà có nghe trong nhà thì thầm, nhưng hắn chẳng có khái niệm gì! Con nghe đây…Con nhắc lại đi: Bác Hồ có đôi mắt sáng, vầng trán cao, râu dài…(Khi đó không hiểu sao mà chẳng có một cái ảnh nào, hắn cứ tưởng tượng theo lời cha kể…)
Rồi cũng đến cái ngày, Người bồng hắn đi một vòng, thơm hắn rồi nói: bây giờ con phải ra Bắc để đi học, con không thể thất học được, con phải cố gắng học thật giỏi…Hắn giãy lên trên tay cha “kh…ô… ô…ng!!” Trời ơi, nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ quê da diết, giờ lại bắt hắn phải xa cha mẹ để một mình ra đi… ngày hắn ra đi, cha và mẹ sợ không cầm lòng nổi, trốn hết, người cõng hắn đi là chú Phú (nhớ là thế), hắn vùng vẫy trên lưng chú, cắn chú, xé toang cả lưng áo chú!(Hết bít) Lần đầu tiên trong đời hắn biết thế nào là sự bất lực và đau khổ! Khởi đầu cho một sự khao khát THỐNG NHẤT BẮC NAM!
Những ngày đầu ở Vĩnh Linh còn chưa bom đạn, nhưng không thấy yên bình, mặc dù dường như Đảng Bác vẫn cố gắng tạo một cuộc sống tưởng chừng yên bình và đầy đủ tại giới tuyến! Những chiều cuối tuần, các bác trong cơ quan Đảng Ủy (lúc í bác Trần Đồng ba anh “Trỗi” Chí “hâu” làm bí thư) đánh xe về thăm cầu Hiền Lương thường “bới” hắn đi theo. Về đến nơi là con bé vội vàng tụt xuống xe và dõi mắt qua chiếc cầu xanh đỏ, dõi mắt qua bờ yên ắng bên kia, dù biết chẳng thấy ai, nhưng cứ ước có một phép màu cho ba mẹ mình chạy qua từ bên ấy! Mặc dù biết từ đó tới ba mẹ xa biết bao là xa nữa, và mấy người cảnh sát ngụy mặt mày lạnh tưng kia là hiện thân của sự chia cắt biền biệt! Biết đến bao giờ…câu hỏi này đeo đẳng theo những giấc mơ suốt chặng đường ra Bắc, vào trường 11, những ngày học hành và tha thẩn ở Quế Lâm, những giấc mơ cắn rứt nỗi ao ước được trở về! THỐNG NHẤT! Thật là một bài ca diễm tuyệt mà những con người quyết liệt đã viết nên! Cũng tự hào một chút vì các Quế chúng ta đã chịu khó sống cùng nhau để ba mẹ rảnh tay góp phần làm nên chiến tích ấy!

Quế MF

Không có nhận xét nào: