Hồi hộp, run rẩy chờ đón xe cứu thương chở cha từ bệnh
viện Quảng Trị vào, đưa gấp vào phòng cấp cứu. Trước đó có gọi cho một anh bạn HSMN trưởng một khoa trong bệnh viện, nhờ lưu ý họ gởi họ giúp kịp thời. Anh ấy bảo
cứ yên tâm, đưa vào đi. Thấy tình trạng cha nặng quá, nói với ca trực: trường hợp
này có bác sỹ X gửi, họ nói có ai gửi gắm gì đâu. Thôi đành, thấy họ trao đổi rồi
quyết đưa nhanh lên khoa hồi sức cấp cứu. Nghĩa là nặng trầm trọng. Có những
chi tiết rất đáng lo, mà giờ không dám kể lại, vì sợ lại “vận vào”. Lên đó, bác
sỹ trưởng khoa tuyên bố: hết máy thở! Làm sao đây? "Chúng tôi chịu!" Mình cuống
lên, không biết làm gì, thì thấy Quế con, đứa con gái bé bỏng siêng làm nũng mẹ,
rút điện thoại ra và nó gọi cho … ông chủ tịch tỉnh! Chỉ 5, 7 phút sau, trưởng
khoa có điện thoại, thấy ông nói: "dạ thầy yên tâm, em sẽ điều máy từ bệnh viện
quốc tế về". Ông nói với mình: "Giám đốc bệnh viện lệnh phải điều máy thở bằng mọi
giá. May mà tôi cũng đồng thời là trưởng khoa bên đó, nên mới có thể điều máy
được". Cha vẫn nằm mê man với khí thở từ bóng bóp tay của y tá. Thân thể đã tim
tím bởi những mao mạch vỡ. Bác sỹ trưởng khoa cứ lắc lắc đầu, ý chừng nói khó lắm! Nhưng nghe có máy thở là mình tràn đầy hy vọng. Mọi người bắt đầu sốt ruột
vì người hộ lý đi lấy máy mãi chưa về, một người càm ràm, chàng này siêng chuyện
lắm, chắc lại sang tám bên đó rồi! Trời, mình thì nóng ruột biết bao nhiêu... Rồi
máy thở cũng tới. ca trực vào cuộc rất chuyên nghiệp, và cha được đưa vào phòng
điều trị số A1. Hai mẹ con ngồi chong bên Người, theo tiếng réo rắt máy thở, các bác sỹ,
điều dưỡng, hộ lý đều đặn thao tác. Mình thì thấy cha mình quan trọng, nhưng họ
thì chỉ vì bệnh mới vô nên vội vàng chút thôi, chơ ai cũng vậy. mỗi ca trực,
các điều dưỡng liên miên từ bệnh này sang bệnh khác, không biết mỗi ngày như vậy
họ di chuyển bao nhiêu cây số. nhưng chỉ biết rằng ngoài lương ra, họ mỗi tháng
được bồi dưỡng khoảng hơn chục lon sữa đặc, hiệu “Ông Thọ”, họ không biết làm gì
với số sữa đó, cứ đi hỏi người nhà bệnh nhân có biết chỗ nào bán lại được
không? Những nhân viên điều dưỡng tích cực nhất ở khoa này lại là những người
đang học việc, nghĩa là đang làm không có lương, mỗi người như vậy phải 3 năm học
việc trở lên. Rất giỏi giang, chuyên nghiệp và luôn tươi cười. Y tá trưởng thì
mặt mày luôn khó đăm đăm, nói năng chát chúa, thỉnh thoảng mới thấy thị nở một
nụ cười thật xinh. Đôi lúc các điều dưỡng tám với nhau: khi đêm nhà ây đưa ông ấy
về, mình thấy khả năng còn cứu được. Uổng quá…
1 nhận xét:
Khi cb thi ĐH, đệ định thi Y, nhưng rồi bị ốm vào nằm BV thấy cảnh người ngành Y lãnh cảm nên rút. Khi ra đời đi làm nhìn lại ở một góc nhìn khác đệ lại cảm thông cho người ngành y (cũng như nhiều ngành dịch vụ khác, cũng không thể đau theo người bệnh, lo theo nỗi lo của người nhà BN được, vì nếu ho cũng nhạy cảm quá thì có khi họ cũng...bị bệnh luôn thì lấy ai phục vụ bệnh nhân. Cũng phải thông cảm cho họ (trừ trường hợp quá đáng), đó là nghề nghiệp mà.
Đăng nhận xét