expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

3. Vì sao tổ yến đại bổ?

Thực tình, MF chưa bao giờ tin các loại Yến Sào, Linh Chi … có các tác dụng huyền diệu như đồn đãi.
Hồi năm ngoái được một trường ĐH miền Tây mời giảng dạy mấy lớp, trong đó có một lớp tại chức. MF vốn ngán dạy tại chức, vì họ chẳng có kiến thức cơ bản gì, học lấy lệ, xin đề, xin điểm và bỏ học để … đi họp! MF từng nói với một anh học trò là chủ tịch một huyện ở Nghệ An: anh cần làm quan thì cứ ở nhà làm đi đã, khi nào thấy cần làm học trò thì hẵng đến lớp! Vì anh này cứ 2 buổi đi học rồi 4 buổi đi … họp. Sau đó thì thấy anh ấy nghiêm chỉnh đến lớp, không đi họp nữa, nhưng từ đó MF bị đồn là … dữ! hic
Vì vậy khi dạy các lớp sau này, MF thường tuyên bố trước, ai cần học thì ngồi lại, không thì về, chứ đừng đi họp, đừng mời cô đi ăn, đừng bao giờ phong bì cho cô. Vì các anh chị cần cái bằng, thì chí ít cái đầu các anh chị cũng xứng với cái bằng đó. Hơn nữa, các anh chị không có tiền, mới đi học nghề nông lâm, chơ có tiền thì các anh chị đã đi học kinh tế, tài chính kế toán … cho oai rồi! Có lần dạy xong một lớp ở Bình Định, MF ra về hí hửng không bị chúng nó khủng bố bằng mời ăn và phong bì. Nhưng về đến nhà tụi hắn nhắn tin lúc tiễn ra ga tàu có nhét cái phong bì sau túi nhỏ ba-lô, may không MF đôi đâu đó mất rồi. Bọn hắn tưởng rứa là lọt. Nhưng có gì không làm được, MF nhờ ngay cô giáo vào dạy môn tiếp theo, bảo tuyên bố trước lớp cô gửi trả! Cô về kể lại tụi nó ỉu xìu. Nhưng thật ra, mấy khi MF cho học trò trượt đâu, chỉ trừ những đứa không thèm học, ngồi không thèm nghe, vì vậy nặn không ra chữ để viết, mà không có chữ làm sao cho hắn điểm?
Bởi vậy, khi đến với lớp tại chức tại Bến Tre này, MF cũng làm tương tự. Bọn nó tuân thủ, chỉ cù cô cùng đi ăn trưa, sử dụng tiền trường trả cho cô để trang trải. Đến lúc về, chúng nó đến tiễn, đưa ra … một hộp yến, nói cho chúng em gửi về cho ông ngoại, tụi em biết ông ngoại già yếu, mong cô… thực sự MF không rành giá cả tổ yến, lại thấy chúng nó quá chân tình, MF nhận. Trên sân bay TSN, MF đi ngang hàng bán tổ yến, tò mò đứng lại coi, thấy giá cả đắt vòi vọi. Mở gói quà ra so sánh, thì ra đó là một hộp yến thô.
Khi đó phụ huynh chưa ốm, nên ý thức về chuyện yến sào cũng vừa phải, lâu lâu ngâm ra, nhặt lông chim, phân chim, vỏ trứng, cát đá lẫn trong đó mà thấy ê hề, nên lười, bỏ tủ đá quên luôn.
Từ bữa phụ huynh gặp nạn, khi bắt đầu cho ăn được, hỏi bác sỹ có thể cho ăn yến không, bác sỹ bảo có chứ, nhưng mà là cái loại yến phải nhặt nhạnh đến toét mắt ấy, chơ đừng cho ăn loại yến đóng sẵn trong chai mấy chục ngàn kia. MF về lục lại yến và bắt đầu ngâm làm một cách kỹ lưỡng. Lần này vừa làm vừa thương cha đang mê man chiến đấu giành giật cuộc sống, bỗng nhiên thấy cái vụ tổ yến này thật đặc biệt. Là những tổ yến còn nguyên sơ, lẫn rác rưởi, lọc, nhặt đúng là toét mắt. Một ổ như vậy nhặt có đến vài giờ mới sạch được, và khi đã sạch, thì như nhận thấy một điều gì đó thật kỳ diệu… Trong khi các loài chim khác làm tổ nuôi con bằng rơm rác, lá lay, thậm chí rứt lông ra mà làm. Thì loài chim này chuẩn bị chỗ nằm cho con bằng những tinh chất tiết ra từ chính cơ thể mình người ta gọi là nước miếng, nhưng MF nghĩ không chỉ là thế. Cái thứ chất ấy MF vừa làm vừa đặt cho nó cái tên là tình yêu, nó trong veo một cách diệu kỳ, tinh túy. Nếu có một miếng nào đó thấy hơi vàng vàng, thì hãy cố nặn bọt nó ra, nó sẽ thải hết tạp chất bám vào đó, và trả lại sợi chất yến trong vắt. MF gạn rửa cho đến khi không còn một chỗ vàng vàng nào mới thôi. Rồi đem chưng đường phèn, MF đã thử cho cha ăn loại yến trong chai chưng sẵn, người ko ăn. Nhưng chất yến này, sau khi tự tay mình chưng, thì phụ huynh đã ăn hết, mặc dù cổ họng mới qua cơn thương tổn nặng nề. MF vừa đút từng muỗng nhỏ xiu cho Người, vừa suy nghĩ, quả chất yến là tình yêu, cha mình cảm nhận được tình yêu người mới nuốt được.
Các tài liệu giới thiệu về tác dụng của tổ yến, nói rằng bởi nó có các acid amin! Thứ đó ở đâu không có?. Ăng-ghen đã nói, ở đâu có sự sống, ở đó có protein. Acid amin là các viên gạch xây thành các tòa nhà protein. Ba thứ đó ở động vật, cây cỏ, thịt chó, thịt mèo, kể cả cóc nhái, giun dế và ở mấy con châu chấu mà các Quế hay bắt nướng ngoài núi bên Quế Lâm, đều có đầy đủ! Vậy tổ yến có chi là đặc trưng? Bởi vậy trước đây MF không tin vào sự hoang đường của cái giá cao vòi vọi của tổ yến! Nhưng giờ nghiệm ra, có một thứ gì đó, không phải chỉ là acid amin đâu, điều này không lừa được nhà sinh lý học Q.MF, mà, theo MF, đó chính là tình yêu, tình yêu của yến mẹ dành cho con, một cái tổ thì cần chi bổ béo, yến con nó có ăn cái tổ đâu? Nhưng tình yêu được đan bện để làm nên chỗ nằm tuyệt diệu, bầy yến con thật là hạnh phúc!
Tháng 2.2015

4 nhận xét:

TM nói...

@MF:
Có câu hỏi này dành cho TS sinh học đây: Trong thế giới tự nhiên, các loài đều cố gắng tồn tại và thích ứng một cách hợp lý. Vậy mà cái tổ yến: chim mẹ dồn biết bao dinh dưỡng,sinh lực vào đấy chỉ để làm nhà cho chim con? Cái tổ có cần phải bổ béo vậy không khi chim non không hề ăn nó? Loài yến quá xa xỉ và lãng phí(có vẻ trái quy luật tự nhiên). Tổ chỉ cần ấm và an toàn thôi chứ? Cuối cùng,chỉ có con người là hưởng lợi! :)
Cám ơn bài viết của MF đã "khai thác" tổ yến theo khía cạnh nhân văn. Chúc cụ mau khỏe nhờ ăn...tổ yến.

Q.MF nói...

@TM: Hic, đó cũng là câu hỏi của chính muội mà!
Nhưng suy luận theo kiểu của mafia, thì muội cho là do vốn loài này sinh sống ngoài đảo khơi, không có cây cỏ chi làm tổ, nên đành ... dùng nước miếng cho khỏe! :D :D
Về phương diện nhà sinh học, để muội gõ cửa ngành tiến hóa, chuyên ngành chọn lọc tự nhiên để hỏi coi vì sao mà cho loài này xài chất dinh dưỡng phung phí vậy? Thật ra các nhà KH chưa hề thấy đầu tư phân tích thành phần dinh dưỡng của nó, chỉ toàn nghe từ ... quảng cáo của các nhà buôn yến! :D

Đỗ nói...

Bài viết hay quá. Có bài viết này tác dụng quảng cáo Yến Xào hơn gấp nhiều lần các nhà quảng cáo khác.

Q.MF nói...

@DN: Hy vong sẽ có nhà kinh doanh yên trả "nhuận bút" cho muội! :D :D