Nguyễn Tri Phương, cái tên trong quá khứ và hiện tại được đặt rất phổ biến, từ tên đường, tên trường đến chợ hoặc bệnh viện … Điều đó cho thấy sự trân trọng đối với một danh tướng đồng thời là liệt sỹ đã tuẫn tiết một cách kiêu hùng vì nước. Năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực cho đến chết. Hồi nhỏ đọc đoạn sử này MF rất ấn tượng và kính phục một danh nhân khảng khái, hình ảnh của ông qua bài học tồn tại khá lâu trong tâm trí, dù MF kém về sử vì ngại học thuộc.
Trên chặng đường rong chơi lang thang, MF thường gặp một số bạn mới mà kết một cách lạ, có lẽ bởi những ân tình đặc biệt và tính cách. Anh Nam và chị Hương là cặp vợ chồng gây ấn tượng với MF như thế, là bạn của bạn của MF, anh hài hước và sôi nổi, chị dịu hiền và bao dung. Hôm rồi nhân ra làm việc với Thành Cổ Quảng Trị, rủ anh chị cùng đi, ra thấy bộ đội đang dọn dẹp cỏ dại nơi Thành Cổ nhân ngày 27/7, anh nói: ngoài nhà anh cũng hên, vừa rồi nhân dịp này trên cho công an cơ động về dọn dẹp, cắt xén cây cỏ ở nhà thờ và lăng mộ cho ông Sơ nên cũng đỡ lắm! Ông nào? Nguyễn Tri Phương! Hic, rứa anh là Nguyễn Tri Nam? Phải! Cháu mấy đời? Ông nội anh là Nguyễn Tri Chí, con của Đồng Xuân Công Chúa (con vua Thiệu Trị, em vua Tự Đức) và phò mã Nguyễn Lâm, con của Nguyễn Tri Phương, người đã cùng cha tử thủ giữ thành Hà Nội và anh dũng hy sinh vì nước Việt. MF tự gõ đầu mình: sao mà vô tư đến vậy, không ngờ hương hồn của danh tướng không hề xa xôi như mình tưởng, cũng tự vì MF cứ lăm lăm việc ông tuẫn tiết khi giữ thành Hà Nội.
Trong các đời vua Triều Nguyễn, MF yêu thích Minh Mạng và Tự Đức, vì nhiều lẽ. Nguyễn Tri Phương xuất thân gia đình làm nông và thợ mộc, nhưng cuộc đời ông không khoa bảng đỗ đạt mà lại làm nên danh giá, mưu lược tinh thông, từ quan văn thành võ tướng, khiến quân xâm lược ngoại bang khiếp nể, ông là một tướng triều giữ uy tín qua cả 3 đời vua từ Minh Mạng, Thiệu Trị tới Tự Đức, đặc biệt ông được Tự Đức yêu mến và tin dùng, và ông đã không phụ lòng vị Minh Quân có cuộc đời sóng gió nhưng vô cùng yêu nước (như Người từng ghị nhận trong lăng bia của mình). Cha con ông đã được nhà vua trân trọng đưa về an táng và lập đền Trung Hiếu Tự để thờ tại làng quê Đường Long, xã Chánh Lộc, (mà nay gọi là làng Chí Long, xã Phong Chương) huyện
Phong Điền của ông.
Từ những tình cảm rất cá nhân này, mà MF nhân ngày 27/7 kéo vợ chồng anh Nam ra quê thăm đền thờ và thắp hương trên mộ những liệt sỹ kiêu hùng Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm. Cũng hơi nhức nhối vì từ “hên” của anh Nam, nghĩa là năm nay lần đầu đền thờ và mộ danh tướng được quan tâm vào ngày đền ơn đáp nghĩa như thế. Cũng nhờ đến mục sở thị di tích này mới thấy rằng: lẽ ra cần có một bảng hướng dẫn di tích trên đường vào miếu thờ. Còn lăng mộ thì nằm giữa đồng, nhưng trông đơn giản như là một tập hợp mộ thường dân, đương nhiên không cần thiết phải làm cồng kềnh, lòe loẹt như một số nơi, vì không đúng với nghĩa khí của cụ, nhưng để thể hiện sự trân trọng vị tướng hiếu trung, nên có những dấu hiệu gì đó, ví dụ như một tượng đài, hoặc một bản đá khắc ghi một đôi điều về con người và di tích nơi này. Trong khi có những người không làm chi cả thì thích ghi danh, mà cụ thì đã lừng danh như thế cơ mà?
|
Trung Hiếu Tự |
|
Nơi hương khói Tam Công Trung Liệt: Danh tướng Nguyễn Tri Phương, Tiến sỹ Nguyễn Duy (em Nguyễn Tri Phương) và Phò Mã Nguyễn Lâm. |
|
Anh Nguyễn Tri Nam, hậu duệ của Nguyễn Tri Phương bên tượng Danh tướng. |
|
Bên tượng Danh tướng |
|
Tượng đài tại Trung Hiếu Tự |
|
Lăng mộ Danh Tướng Nguyễn Tri Phương |
|
Vợ chống anh Nguyễn Tri Nam và lăng mộ Phò Mã Nguyễn Lâm |
2 nhận xét:
Đi ngang qua đây nhiều lần mà ko biết để ghé thăm và thắp hương cho ông .Tiếc thật !
Đợt tới có ra HHP báo MF dẫn đi nha! Mà chỗ ni gần phá Tam Giang hấp dẫn lắm!
Đăng nhận xét