expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

XỨ SỞ CỦA RƯỢU WHISKY - LÂU ĐÀI VÀ TRANG TRẠI



LÂU ĐÀI

Sáng thứ bảy hai vợ chồng ông giáo đến đưa cô trò và hai người bạn Indonesia đi thăm lâu đài cổ. Biết mìnhh vẫn còn thèm rừng lá vàng, nên ông chọn những ngả đường vẫn còn vài vòm cây rực rỡ, cứ nó kia kìa, kia kìa…con đường ngoại ô chạy đến các lâu đài cổ như vẫn chiều chuộng một tên Mafia lạc loài, ông già nói mùa này các lâu đài đóng cửa cả, nhưng lâu đài này hôm nay có dịp đặc biệt nên lại mở cửa, mình nói: để đón một tên Mafia rồi! Ông già cười khơ khơ..ơ…

Bõ công ngày xưa làm Quế, đọc nát cả thư viện trường (các Quế có nhớ thầy Có mắt cận không? MF lúc í hay đến thư viện, lúc nào cũng thấy thầy ngồi ở chỗ thủ thư, cách nay sáu bảy năm, thầy cùng các thầy cô ghé thăm Huế, mình nói em nhớ thầy ngày xưa làm thư viện! Thầy nói không phải, vậy sao hồi í em toàn gặp thầy…thầy Đào Thu nói ôi em không biết sao, thầy ấy kiên nhẫn ngồi bao năm ở đó mới cưới được vợ đóo… hóa ra thầy ngồi làm việc thế cho cô (cô gì MF quên mất tên, vì chỉ ấn tượng hình ảnh thầy với cái lưng cong cong, đôi kính cận dày cộp nhướng lên nhướng xuống ghi sổ mà thui, thỉnh thoảng sách được ủ ấm trong tầng áo bông thầy không hề biết- he he, phương án chống bọn cờ đỏ thu sách đọc trong chăn khoét lỗ buổi trưa), những trang truyện thời xưa về những ông chúa đất với những lâu đài, những tiểu thư và các chàng công tử, những người chủ của trang nông tít tắp đến chân trời…những ảnh hình tưởng tượng ấy cứ âm âm hòa lẫn trong ký ức của Quế, đến lúc này MF được thỏa nguyện trùng phùng.

Các thắng cảnh di tích các nơi, kể cả phương Tây, đều thường kèm theo các vệ tinh thương mại, mua bán đồ lưu niệm hay đại loại như vậy, nhiều lúc mìnhh chỉ thèm một thắng cảnh Huế hay Đà lạt cất đi những vệ tinh đó để được trọn vẹn tìm kiếm những nét hoang sơ vốn có của di tích hình hài (tuy nhiên di sản là tài sản của nhân dân, nên ta phải chấp nhận nhân dân được quyền khai thác nó bằng mọi cách), điều này MF được thỏa nguyện tại đây, lâu đài Crathes! Con đường ướt át trầm tư dường như còn vương bóng các công hầu lãnh chúa, những hàng cây lắng im như đã mấy trăm năm đứng đó với bao đời thịnh suy của chủ lâu đài. Không phải họ không có nơi bán đồ lưu niệm, nhưng nó nằm kín đáo ở một cấu trúc rất hài hòa trong toàn cảnh chung cổ kính của lâu đài. Theo chân cô hướng dẫn viên có choàng một dải băng thể hiện cái văn hóa độc đáo của “Scottist”, nụ cười luôn trên môi và nói nhanh như gió, đùa vui rằng xin lỗi vì tôi đã không có cơ hội học tiếng Việt, chúng ta cùng thăm thú bằng tiếng Anh vậy nhé, đây là…Mọi người đắm mìnhh trong câu chuyện đã trải qua chừng dăm trăm năm, cùng thời kỳ với chúa Nguyễn ở ta vào Nam lập nghiệp, ông chúa đất xứ này đã gây dựng cơ nghiệp và xây lâu dài, những bài trí, những căn phòng rất sống động hồi giữ những ảnh hình cuộc sống trong tòa lâu đài ấy một thời. Những bức vẽ chân dung trên tường cùng với các vật dụng được giữ gìn cùng câu chuyện thầm thì từ cô gái làm người xem như đang sống về lại thế kỷ mười sáu kia, sinh hoạt của người ăn kẻ ở, vợ chồng, con cái, khách chủ, đồng áng và chiến tranh…Gia chủ của đền đài Crathes này để lại ảnh hình của một ông chúa oai phong mà chung thủy, chu đáo với người ăn kẻ ở, nghiêm khắc với gia phong và hiếu hảo với bạn bè…nói vậy là vì câu chuyện kể rằng ông chỉ có một vợ và sinh hai mươi mốt người con! Bà chúa xấu số sinh con từ năm mười bốn tuổi, đến năm bốn mươi tuổi khi sinh đứa con cuối cùng thì bà không vượt cạn nổi và đã ra đi. Nhưng trong phòng trẻ vẫn còn nguyên những chiếc ghế bé nhỏ, những góc sưởi ấm, những cái nôi và cái xa đan vải, câu chuyện tiếp tục thầm thỉ rằng bà ấy đã không mãi ra đi, bà tồn tại trong căn phòng và bí ẩn ru con, quay xa dệt vải, chăm sóc chồng… Ông chủ đã sống đến tuổi tám hai bên con cháu điều hành đồng áng, săn bắn và chiến chinh…Tòa lâu đài có một phòng rộng lớn trên lầu cao, mới bước vào MF tưởng là phòng họp, tuy nhiên bàn chủ tọa dài một cách khác lạ với những vồ, những chuông…hóa ra là phòng xử án! Thật đáng danh là một chúa đất! Nghiêm minh trong cơ cuộc và gia đình đương nhiên là một phương thức tồn tại của chúa lãnh một vùng. Tuy nhiên trong phòng này không chỉ thế, cô hướng dẫn chỉ một vài dụng cụ nhỏ, hóa ra ngoài là phòng xử án, đây còn là nơi bọn trẻ chơi bóng lăn! Công cuộc giáo dục trẻ của gia đình còn hoài lưu trong những căn phòng gia sư và âm nhạc với những cây đàn cổ mandolin, piano…! Sự an ninh cũng thể hiện rõ bằng những thanh kiếm, những khẩu súng bắn đạn bột và những lỗ châu mai (không bít có phải gọi như vậy không, MF bắt chước cách gọi của ta khi nói về các lô cốt, ở đây gọi như vậy có vẻ hơi…chỏi), góc nào của lâu đài cũng có những lỗ này. Trên tầng cao của lâu đài là những cánh cửa sổ có thể quan sát bao quát cả vùng đất bao la và thơ mộng, bên dưới là những bức vườn rực rỡ lá hoa.

Du khách bước ra khỏi tòa nhà với một tâm trạng hoàn toàn khác, khi bước vào ta chưa biết gì về tòa lâu đài nhưng người bước ra đã khác hơn sau khi học một bài học dài về lịch sử scottist một thời!

TRANG TRẠI

“Chiều nay trước khi trả lời phỏng vấn của Hội đồng Anh, ta sẽ đưa em đi thăm lướt qua trang trại của ta, chỉ xem trên xe thôi, vì thời gian hơi ít!” ok.

Trả lời câu phỏng vấn của Hội đồng Anh: bạn thu thập được điều gì cho công cuộc hợp tác và cho bản thân qua cuộc viếng thăm này? Trả lời: việc hợp tác chỉ mới bắt đầu, thời gian đi thăm thì ngắn, nhưng hiệu quả chắc chắn thấy rõ trong tương lai gần vì tiền thân của mối hợp tác này là mối quan hệ bền vững giữa các nhà khoa học của các nước, cũng như lịch sử của mối quan hệ này và những gì dự án và các vị tiền bối đã làm được trước kia! Bản thân thì…chiếc xe nhỏ của ông giáo phăm phăm tiến về miền xa ngoại ô, rẽ vào những con đường làng lãng mạn với những hàng cây đã trơ cành chờ mùa đông, nhưng vẫn nuối tiếc đôi chùm lá vàng nâu đây đó… Đột nhiên, một vùng “cỏ non xanh tận chân trời” hiện ra trước mắt… ôi đẹp quá..á..!! - Đồng cỏ của ta đó! Nghe ông già nói nhiều lần về trang trại của ông rồi, giờ MF mới tận mắt thấy! Ông già vốn gốc người Đan Mạch, lớn lên trong một gia đình đông con có nghề chăn nuôi bò sữa. Ông kể rằng khi lớn lên con đường học hành của ông không thuận lợi, rồi ông đi lính, rời quân ngũ về ông vào trường Đại học, ông tốt nghiệp Đại học Copenhagen hạng ưu tú, hãng bia Carberg đã cấp học bổng cho ông trong những năm học vì thành tích học tập, khi ông nhận bằng tốt nghiệp, hãng bia này đã treo một băng rôn thật lớn trên sân khấu để quảng cáo cho thành tựu sản xuất và hoạt động xã hội của mìnhh (bởi vậy đi xứ nào có bia Carberg là ông cụ chỉ uống loại này, riêng ở Việt Nam cụ nói khoái bia Việt Nam hơn nên ở Sài Gòn thì uống 333, Hà Nội thì Halida và Huế thì “only Huda”, ông già cũng khôn, vì Halida và Huda đều là công nghệ của Đan Mạch mà!!) Sau đó ông sang Anh làm Tiến sỹ, và ở lại Anh giảng dạy, các viện nghiên cứu miền Scott đã mê tài ông già nên mời về đây, thế là ông về và tậu một ngôi nhà cùng trang trại mà MF đang đến! Ông biết MF thích những cuộc như thế này lắm nên cho xe chạy băng băng trên đồng cỏ xanh non mượt mà như không hề biết đến xứ sở đang lạnh giá như thế nào! Rồi ông dừng xe, hô MF xuống! MF ngơ ngẩn dạo bộ trên bạt ngàn cỏ xanh dưới ánh nắng nhạt nhòa và gió thu lạnh buốt, tự nhiên nhớ tới bài học văn “cỏ non” của Hồ Phương thủa làm hsmn (he, bởi zậy mấy đại ca Trỗi nói MF đại diện cho bác Hồ Giáo cũng phải, mặc dù nhà văn Hồ Phương không định tả về bác nì).

Ông già nói rằng hàng năm ông thả vài trăm con bò trên đồng cỏ ấy, đàn bò cứ thế lớn lên không cần ai chăm sóc chăn giữ cả, rồi chúng ra đi vào mùa thu, lợi nhuận này ông đóng góp thêm vào Quỹ “Orskov Foundation”. Vào mùa này bò không có, ông để đồng cỏ cho một nông dân nuôi bò sữa thuê, người đó sẽ cắt cỏ về ủ cho đàn bò sữa nhà mìnhh! Có muốn đi thăm trang trại bò sữa ấy không? Sao không? Đi! Chiếc xe trắng nhỏ lại lăn nhanh qua những trảng cỏ mềm để về thăm trang trại bò sữa. Đỗ xe trước một dãy nhà có đàn “cô gái Hà Lan” đang ăn bữa rào rào (tên thiệt của chúng là Holstein), những chiếc xe xúc, những dãy nhà dự trữ cỏ khô cao ngất, những ngọn đồi nhỏ được tạo nên bởi cỏ tươi ủ…không khí rộn ràng của một trang trại vừa thô sơ vừa công nghiệp! Một chiếc xe cẩu tiến đến, ông giáo ra huơ tay chào “Hello”, chiếc xe cao lớn dừng lại, và một …ông già râu trắng như cước trong bộ đồ bảo hộ bước xuống xe! Một khuôn mặt hồng hào rắn rỏi và nụ cười tươi rói! Ta đem đến cho ông một người khách tận Việt Nam đây, hắn muốn thăm đàn bò của ông đó! Ok, xin mời- Đàn bò có bao nhiêu con? Bò sữa trên hai trăm con, còn khoảng vài trăm bò thịt và và bò giống! Ông có bao nhiêu người làm? Đâu có, chỉ mìnhh tôi và con trai phụ giúp!! Híc, có lần MF được các bạn Trung Quốc ở Quảng Tây đưa đi thăm một trang trại trâu sữa mà họ cho là niềm tự hào của chính quyền tỉnh nhà, vài trăm con trâu sữa, trên chục người làm, MF đã trầm trồ về việc bố trí lao động của họ rồi, chừng nớ bên mìnhh phải dăm chục người lao động và người canh người lao động ấy chứ nhỉ?

Không có nhận xét nào: