expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Trích đăng nhân sinh nhật 2020

Ngày tôi được sinh ra
... Tôi sinh ra ở bên kia chiến tuyến, gia đình bên nội tôi là dòng dõi quan lại (ông cố của cha tôi là Tiến sỹ Võ, tước Quế Dương Hầu, Phó tướng triều đình Tự Đức (vì vậy ông nội tôi được gọi là "Tôn viên"), bên ngoại tôi mấy đời nông gia thành công với phù sa bên dòng Thạch Hãn, do vậy đất đai nhiều, nhân công đông, nếu như ở miền Bắc thời cải cách thì gọi là “địa chủ”, ông ngoại tôi được dân bầu làm lý trưởng, quán xuyến việc hương hỏa, dân làng. Chức danh này không mấy gây cảm tình cho lực lượng những bần nông làm cách mạng.
Tuy nhiên tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt! Ông nội tôi mất khi cha tôi mới lên 3 tuổi, bà nội ở vậy thờ chồng, nuôi con một mình nên gia cảnh khó khăn dần, ruộng vườn phải nhượng bán, những kẻ hợm đời thường ức hiếp. Trong hoàn cảnh đất nước lâm vào thế giặc Pháp xâm lược, nội tình đất nước cũng như hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bà nội tôi không đủ sức nuôi cha tôi đi học xa để có thể đỗ đạt cao, cha tôi chí ham học hành, nhưng hoàn cảnh không cho phép, 15 tuổi phải vừa dạy học vừa tự học, khi những người tri thức gặp nhau trong hoàn cảnh đó, họ đã cùng đồng chí hướng và quyết tâm làm cách mạng. Mười sáu tuổi ông tham gia cách mạng và mười tám tuổi ông vào Đảng Cộng sản ĐôngDương. 
Ông đam mê làm cách mạng, đam mê những ý tưởng giải phóng dân tộc của nhà Cách mạng Hồ Chí Minh. Nói như Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày”, chẳng bao lâu cha tôi bị Pháp bắt tù
trước nỗi thảng thốt khổ đau của người mẹ và hàng chục cặp mắt ngây thơ ngơ ngác của lũ học trò làng đang ngồi trong lớp. Cha tôi tiếp tục sự nghiệp của mình trong tù, và ông được tự do khi Nhật đảo chính Pháp. Rồi ông để mẹ già ở lại, tiếp tục theo đuổi niềm tin trên con đường chông gai của mình. Mẹ tôi vượt qua sự cản trở của gia đình, đến với cha tôi khi Người tham gia cách mạng và ở tù, bà đợi chờ và sát cánh cùng chồng trên con đường gian khó. Họ yêu nhau trong hoạn nạn, cưới nhau trong khó khăn. Địch lùng bắt ráo riết. Cha tôi lại phải để vợ con lại cho mẹ, hoạt động thoát ly. Ba chị em chúng tôi ra đời từ những cuộc gặp gỡ đầy gian truân của cha và mẹ.



Khi mẹ có chửa tôi, để tránh dị nghị, nghi ngờ của những lực lượng “chống Cộng”, hễ thấy bóng ai đi ngang ngõ là bà nội tôi lấy bẹ chuối đập sạt xuống chõng tre, hét to “con tao đi khỏi, mi đi với thằng nào cho to bụng ra?...”. Rồi cũng đến cái ngày tôi được cha mẹ sinh ra, đó là một ngày đầy ký ức: Mẹ thường bới cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng, đêm chuyển dạ, bà không đi được. Cán bộ đành phải tự mình lên khỏi hầm đi lấy thức ăn. Đêm ấy, thám báo rình bắt được ông Lê Diệu, họ hành xử bằng cách lấy đòn xóc (giống như đòn gánh nhưng nhọn 2 đầu để xóc vào 2 bó lúa gánh cho dễ) đâm vào thân thể ông đến nát, rồi treo lên hàng rào ngoài làng, để mọi người xem như một lời cảnh báo cho ai dám làm cách mạng! Như vậy ngày tôi sinh, cũng là ngày một nghĩa sỹ vĩnh biệt. Xã gọi bà nội và mẹ tôi bồng tôi lên, họ nhìn mặt và nói: “Mặt này là mặt thằng Kim chớ mặt ai nữa mà cứ giả đò kêu chửa hoang?”, rồi vì mẹ tôi mới sinh nên họ cho về, nhưng giam bà nội tôi lại để ngày ngày khảo tra, mẹ tôi kể: khi về, hỏi họ có làm gì không, bà nói không, nhưng bà khẽ rên và nằm sấp, mẹ tôi giở lưng áo ra, thấy da dẻ bị rách nát tím bầm, họ trị tội chứa chấp Việt Cộng của bà, tức là đứa con trai duy nhất của bà. Chưa hết, họ tập trung hết người trong thôn xã lại, bắt ngồi cả ngày ngoài nắng để tập huấn, chờ cho đến khi nào họ khai nhận có chứa chấp Việt Cộng thì thôi, vì chứng tỏ cha tôi đã về nhưng không ai chịu khai báo! Tuy vậy, không ai chịu nói gì. Thấy dân làng ngày ngày bị phơi nắng, chịu không nổi, mẹ tôi bồng tôi đang đỏ hỏn đứng lên nói: “Thưa xã, tôi công nhận đứa con này là con của chồng tôi, nhưng đó là kết quả của một buổi đi rừng lấy củi, tình cờ vợ chồng gặp nhau trong rừng, tôi làm tôi chịu, không liên quan gì đến bà con, đề nghị xã thả cho bà con về, và nhân đây cũng nhờ xã bắt giùm cho được chồng tôi về với, chứ tôi cứ sống vắng chồng mãi thế này cũng cực lắm!” (câu chuyện này nhiều người bạn trong trường được cùng nghe bà Én, một người trong làng kể, khi đưa đám tang mẹ tôi về quê nội). Sau đó bác tôi đặt cho tôi tên là “con Sâu”, nghĩa là “con sâu làm rầu nồi canh!”. Và cũng do vậy, thông thường thời ấy ít ai nhớ ngày sinh của con, nhưng mẹ tôi không bao giờ quên ngày 21 tháng Tư âm lịch (thực ra đó là ngày 30 tháng 5 trong lịch dương)...
Trích lại bài đã đăng 
21/4/2020

Không có nhận xét nào: