expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Trong tôi có một tượng đài ...

Quế con đang làm nghiên cứu sinh ngành kiến trúc tại Italy.
Đại sứ quán đang nhắm nó để làm đông lực lượng trí thức trong Đảng.
Để trả lời câu hỏi: "nếu là một Đảng viên, bạn sẽ làm gì để giúp ích cho đất nước?" trong bản thu hoạch học tập cảm tình do Đại sứ quán tổ chức, nó đã viết dài ngoẵng, là lạ. Đọc chảy nước mắt. Con thường ít nói, vậy mà những câu chuyện của ông, của mẹ cũng đã thấm vào trí nhớ của nó ...

Sinh hoạt học thuật thường kỳ của nhóm nghiên cứu sinh và giáo sư tại UNIVPM

Thực sự thì việc sẽ làm được những gì trong tương lai, đạt được những thành tựu như thế nào thì tôi chưa biết rõ, tại vì nó nằm ở tương lai, và điều đó có thực sự giúp ích cho đất nước không cũng còn là vấn đề phải chờ thời gian trả lời. Nhưng nếu nói đến cảm nhận và trải nghiệm của bản thân tôi về trách nhiệm và nghĩa vụ của một Đảng viên đối với đất nước, đồng thời qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của Đảng, tôi xin được kể một câu chuyện của chính tôi.

Tôi may mắn sinh ra trong thời bình, là con cháu trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Được lớn lên bên cạnh những người con của mảnh đất Trị Thiên khói lửa, trong đó có một tượng đài hơn 70 năm vẫn một lòng kiên trung với Đảng: “Ông ngoại tôi”. 

Lúc tôi còn bé, bố mẹ bận bịu công việc. Tôi được ông bà ngoại chăm sóc, ông ngoại dạy dỗ, chăm sóc tôi từ những chữ cái, số La mã, cách xem đồng hồ, đưa đón tôi đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch, đến chuyện dạy tôi cả sở thích lúc về già của ông là chơi cờ tướng ( chuyện nghe có vẻ hơi buồn cười vì ai lại dạy cho một đứa bé bốn, năm tuổi trò chơi cân não của người già, nhưng điều đó về sau cũng làm tôi luôn tự hào vì đã biết chơi cờ tướng từ thời chưa vào cấp 1). Sống với ông ngoại, có một việc tôi hay để ý là ngày nào buổi sáng ông cũng đọc báo, tối thì cứ đúng 7 giờ tối là ông lại xin tôi nhường tivi để xem thời sự cho bằng được. Ông ngồi xem chăm chú, theo dõi từng chi tiết, đang ăn cơm ông cũng phải bê bát đến gần tivi để được nghe cho rõ, không bị sót câu chữ nào. Lúc đấy tôi cứ thắc mắc, cái bản tin thời sự chán ngắt đấy có gì hấp dẫn hơn chương trình hoạt hình tôi đang xem mà ông cứ phải xem cho bằng được. (Sau này tôi nghĩ thế nào thì tôi xin kể trong đoạn sau.)

Lớn lên, nghe loáng thoáng mẹ tôi và những người đến thăm ông nói chuyện trong nhiều năm, tôi cũng biết ông đã từng là một người khá quan trọng. Nhưng lúc đó tôi chưa đủ quan tâm để tìm hiểu về những gì ông đã trải qua. Ông chưa bao giờ kể với tôi về quãng đời đó, có lẽ vì nó quá đau thương với những người trẻ được sống trong hòa bình như tôi, có lẽ vì ông muốn chôn chặt nỗi đau của chiến tranh. Sau này khi trưởng thành và nhận thức được nhiều thứ hơn, tôi bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời của ông qua lời kể của mẹ tôi (cũng là một người đã từng gánh chịu những chia ly mất mát trong thời chiến), qua những điều được ghi chép trong sử sách; và đôi lúc tôi không kìm nén được sự xúc động khi biết cả cuộc đời ông, ông giành tất cả cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, một lòng muốn giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của quân thù, thống nhất đất nước. Biết về cuộc đời ông ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của tôi sau này, và dưới đây là một số chuyện về cuộc đời ông mà qua đó phản chiếu hình ảnh của một Đảng viên chân chính, những điều ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ của tôi về cách sống, về Đảng, về Đất nước.

Những năm đất nước còn loạn lạc. Ông giác ngộ và tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 16 tuổi (1939). Năm 18 tuổi, tin tưởng vào con đường cách mạng của Đảng Cộng sản, yêu quý và nể trọng con người cũng như lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Một năm sau, ông bị quân Pháp bắt và chịu án khổ sai. Thời gian ở tù, ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng, tiếp tục hoạt động trong Chi bộ Đảng ở nhà lao Quảng Trị, lãnh đạo đấu tranh cho quyền lợi của tù nhân chính trị. Trước khi bị bắt, ông đã dạm hỏi bà ngoại tôi. bà ngoại tôi mặc kệ sự cấm cản của gia đình đối với một người tù “Việt Cộng”, vẫn tiếp tục một lòng với ông trong những tháng ngày ông bị tù đày. Nhật đảo chính Pháp, ông thoát tù, tiếp tục hoạt động chỉ đạo phong trào Việt Minh tại địa phương, và bị địch lùng bắt. Ông đành để lại gia đình vợ con thoát ly để tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp Cách mạng. Từ đó mẹ và vợ ông (tức là bà cố và bà ngoại tôi) cũng trở thành cơ sở nuôi giấu “Việt Cộng nằm vùng”. Dân làng nơi ông sinh ra thì bắt đầu nhắc tên ông một cách thì thầm, bí mật, nhưng đầy tình thương mến.

Đầu những năm 50, ông được cử ra Thái Bình, lãnh đạo quân và dân huyện Quỳnh Côi đấu tranh chống Pháp. Lo lắng chiến sự nổ ra ở vùng của ta sẽ ảnh hưởng đến nhân dân, ông chỉ đạo tác chiến chủ yếu ở vùng địch. Có lần đê Quỳnh Côi sắp vỡ, ông huy động hàng nghìn người hộ đê và cùng quần chúng gửi thư yêu cầu phía Pháp ngừng hành quân để nhân dân hộ đê, buộc chúng phải chờ cho đến khi nước rút. Lần khác địch chiếm đóng cống Trà Linh là cống cấp nước của vùng, thuộc huyện Thụy Anh (Thái Thụy ngày nay), chúng đóng cửa cống, nước không chảy qua được khiến nhân dân vùng Trà Linh chịu đói. Ông vận động nhân dân Quỳnh Côi đến đấu tranh cùng khiến chúng phải mở cống. Ông nói rằng: “ Dân Thụy Anh mà bị đói, thì Quỳnh Côi cũng không thể làm ngơ!”. Lúc đó ông đồng thời làm Chính trị viên huyện đội, trận đánh nào ông cũng cùng bộ đội xông pha ra chiến trường, chỉ huy bộ đội và nhân dân lập nhiều chiến công, không hề né tránh. Trong thời gian ở Thái Bình, chủ trương đánh thắng địch nhưng tránh thiệt hại cho dân của ông được đề cao, ông được tin tưởng và được trực tiếp đàm đạo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và chiến tranh du kích. Vì tấm lòng đối với nhân dân và bộ đội, ông được đông đảo nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Bình rất yêu quí. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình lúc ấy đã nhận xét về ông rằng: “Anh là người luôn đi sát bộ đội, đi sát quần chúng!”. Cho đến tận bây giờ, nhân dân và cán bộ Thái Bình hoạt động cùng ông thời ấy vẫn không quên ông, luôn dành cho ông những lời thăm hỏi, cũng như ông vẫn luôn gắn bó với mọi người ở đấy.

Sau hiệp định Geneve, trong khi mọi người tập kết ra Bắc, ông lại ngược vào lại mảnh đất bên kia chiến tuyến của Quảng Trị, tiếp tục hoạt động bí mật và lãnh đạo phong trào địa phương.

Thời gian sau đó vài năm, 3 người con mất 2, mẹ ông (bà cố tôi) mất cháu đau buồn rồi mất theo. Sự mất mát có lẽ người ta thấy là thường tình trong chiến tranh, nhưng là nỗi đau buồn vô tận của người trong cuộc khi phải nghe tin những người thân ruột thịt ra đi từ xa, mà lại còn nhiều lần liên tục. Nhưng vì lý tưởng Cách mạng và vì nhân dân, ông nén đau thương tiếp tục con đường cứu nước. Năm 1964, ông trên cương vị quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở Quảng Trị lên cao; các Đảng viên và cán bộ cách mạng kiên trì bám trụ trong lòng dân, khiến nhân dân một lòng tin vào Đảng, một lòng theo cách mạng. Năm đó, được sự tin tưởng của nhân dân, ông đã cùng nhân dân địa phương thực hiện thành công phong trào Đồng Khởi ở tỉnh Quảng Trị, góp phần đánh bại “Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.

Do tính chất đặc biệt của vùng đất bên bờ chiến tuyến, năm 1966 Khu ủy Trị Thiên Huế được thành lập. Vì tính cương trực, khẳng khái và sự yêu mến của nhân dân với ông, ông được Trung ương tin tưởng giao cho nhiều trọng trách của Khu ủy, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra Đảng, dân vận và binh vận. Không phụ sự tin tưởng của Đảng và nhân dân, ông liên tiếp lãnh đạo quân và dân phối hợp đánh thắng nhiều trận ở chiến trường Đường 9 – Quảng Trị, trong đó có một trận đánh tái hiện khí thế quật cường của dân tộc Việt, được mệnh danh là “trận Bạch Đằng trên sông Hiếu”. Đồng thời cũng thành công trong công tác binh vận khiến một số trung đội dân vệ ở Cam Lộ nổi dậy làm binh biến. Ông luôn đề cao chiến lược “dành thế áp đảo, nhưng tránh thương vong”. Rồi sau đó tiếp tục cùng dân và quân các huyện phía Bắc Thừa Thiên Huế phối hợp với bộ đội chủ lực dành chiến thắng trong chiến dịch Xuân hè năm 72 và chiến dịch Mùa xuân năm 75 ở chiến trường Trị Thiên, góp phần giải phóng miền Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, 3 tỉnh Bình – Trị - Thừa Thiên được sát nhập. Ông về Tỉnh ủy Bình Trị Thiên tiếp tục lãnh đạo công tác kiểm tra Đảng và nghiên cứu lịch sử Đảng đến lúc về hưu. Thực hiện đúng trọng trách của một người nhiều năm làm công tác kiểm tra Đảng là cương trực, liêm khiết. Nhiều lúc sau này vào những thời gian khó khăn của gia đình mẹ tôi cứ nói đùa rằng “Hồi tê ôn mi làm lãnh đạo mà mẹ đi học xa chiếc xe đạp cũng không có tiền mà mua, có khi tham tí thì bây chừ cả nhà đỡ khổ biết mấy”, bà nói đùa vậy thôi chứ tôi biết tấm lòng ngay thẳng của ông ngoại luôn là niềm tự hào của mẹ tôi, và ngay cả của tôi bây giờ nữa.

Ông bà ngoại tôi, ông một đời cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, còn bà một đời phục vụ cho lý tưởng của chồng, cho cách mạng không hề mở miệng ca thán; hòa bình rồi, họ tiếp tục một cuộc sống yên lặng và bình dị như bao người dân bình thường khác, nhưng tâm thức của ông vẫn đau đáu nỗi lo vì đất nước vẫn còn nghèo, nhân dân vẫn còn khổ. 

Trong ký ức của tôi, bà lúc nào cũng lấm lem vì khói bếp, sáng nào cũng giấu mẹ dúi vào tay cháu ít tiền tiêu vặt, hay một cái đùi gà mua từ số tiền đi chợ ít ỏi mà bà dành dụm được (mẹ tôi mà biết thì sẽ cằn nhằn bà vì chiều quá sợ cháu hư). Mỗi khi tôi bị bố mẹ mắng vì làm sai điều gì đấy, bà là người đầu tiên chạy ra xin cho cháu. Bà luôn ngồi nhìn tôi cười hiền từ và mãn nguyện, chăm sóc tôi như để bù đắp lại cho những năm tháng không thể chăm lo cho những người con của mình. Những năm tuổi già bà bị căn bệnh thấp khớp hành hạ, đi lại khó khăn rồi ngã gãy chân phải nằm một chỗ. Bà không một lời than vãn như thường thấy ở những người già, chỉ suốt ngày chờ có người vào phòng để hỏi xem: “thằng Bim cưỡi trâu đi chơi đã về chưa!” (tên ở nhà và con trâu là bà gọi chiếc xe màu đen của tôi), bà lo cháu sẽ bị gì ngoài đường tại tôi ham chơi lắm, đi suốt ngày. Năm bà mất tôi cứ nhìn vào di ảnh bà là không cầm được nước mắt suốt mấy tháng liền, có lẽ một phần vì thương nhớ bà, một phần vì hối hận đã không chăm sóc bà được nhiều như bà đã chăm sóc tôi.

Ông thì chiều cháu theo kiểu khác. Ông dạy tôi cách làm người, yêu thương con người và mọi thứ xung quanh mình, dạy tôi tôn kính Bác Hồ, dạy tôi rằng Bác là một con người vĩ đại và nhân từ như thế nào. Từ khi tôi sinh ra cho đến nay trong nhà luôn có tượng của Bác, là hình tượng vĩ đại nhất của cuộc đời ông. Qua những lời dạy của ông, rồi về sau đi học được tìm hiểu thêm ở trường lớp, lòng kính trọng của ông ngoại và gia đình với Bác đã ảnh hưởng đến tôi. Mặc dù tôi sinh ra muộn, chỉ biết đến Bác qua những lời kể, những câu chuyện, nhưng tôi vẫn luôn mãi tôn kính và tin yêu Bác Hồ như tôi yêu quý ông mình.

Tính ông trầm ổn ít nói, thường tôi chỉ thấy ông nhắc đến quá khứ với những người bạn già, những người đồng đội đã cùng chiến đấu. Nhưng ông luôn sốt sắng khi nghe người này người kia mà ông biết chưa được ghi nhận công lao trong cuộc chiến, nhiều lúc đang ở Huế, ông bắt xe khách ra Quảng Trị ngay để viết chứng nhận cho đồng đội, nhiều người gọi đùa ông là “pho sử sống của tỉnh Quảng Trị”. Nhắc lại chuyện xem chương trình thời sự và đọc sách báo của ông mà tôi đã nói ở trước, sau này tôi mới biết là vì ông chưa bao giờ hết tâm huyết với Đảng, với nhân dân và tổ quốc kể cả khi đã về hưu. Ông vẫn còn vướng bận nỗi lo âu cho sự an toàn, phát triển của nhân dân và đất nước. Ông xem ngày qua ngày như thế, cho đến lúc tai lãng đi, ông ngồi sát lại rồi mở loa to đến mức nào có thể nghe được, còn xem cả chương trình phát lại buổi sáng để không bị bỏ lỡ chi tiết nào. Sau này gia đình có điều kiện, mẹ tôi đổi cho ông cái tivi to hơn, hiện đại hơn, nhưng rồi hiện đại quá ông không dùng được. gánh nặng tuổi già khiến ông không cập nhật được cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, chỉ còn biết cách đọc sách báo để cập nhật tin tức, sau đó gia đình phải đổi lại tivi cũ để ông tiếp tục xem. Về sau này, căn bệnh tuổi già dần làm lý trí ông lúc tỉnh lúc mê, việc đó cũng dường như không còn được tiếp tục nữa.

Ông lúc trẻ cứng rắn là thế, không sợ bất cứ bom đạn nào của kẻ thù, nhưng về già ông đa cảm (có lẽ đúng như người ta nói, con người về già sẽ trở lại làm một đứa trẻ), tôi đã trực tiếp ba lần nhìn thấy ông khóc trước mặt tôi và một lần mẹ tôi kể lại. Một lần là khi tôi đưa ông ra thăm Quảng Trị, đi ngang quốc lộ 1A có một tai nạn chết người, cả xe lặng người đi vì trông quá kinh khủng, chỉ có ông che mặt khóc như một đứa trẻ, ông khóc thương vì tính mạng của một người dân vẫn bị cướp đi trong hòa bình. Hai lần khác là ngày bà tôi mất và ngày tôi đi ra nước ngoài học tập, những giây phút ông lại phải chia ly với những người thân ruột thịt, những người mà suốt những năm tháng chiến tranh ông không thể chăm sóc với đầy đủ trách nhiệm của một trụ cột gia đình. Và một lần mẹ tôi đưa ông đi thăm bến nhà Rồng theo ý ông vào năm 2010, đến với nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, ông cũng khóc, khóc vì đây là nơi mà con đường cách mạng ông đã đeo đuổi được bắt đầu, khóc vì ông là một người học trò trung thành của Bác Hồ trong sự nghiệp cách mạng và cả trong đạo đức sống. Đầu năm 2011, ông được trao tặng huân chương Hồ Chí Minh ( huân chương cao quý thứ 2 của nước CHXHCN Việt Nam). Mặc dầu trước đó cả ông và bà đều đã được khen thưởng nhiều lần, nhưng đây là phần thưởng cao quý nhất mà ông có thể có được. Một thời gian dài sau đó ông cứ đứng lặng người nhìn mãi dòng chữ trên huân chương ghi: “Đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, ông tự hào lắm, vì đó là sự ghi công của Tổ quốc, vì biết Đảng và nhà nước vẫn không quên ông, luôn nhớ đến công lao mà ông đã đóng góp cho đất nước.

Hè năm ngoái tôi về thăm nhà, ông đã 92 tuổi và yếu đi nhiều. Đôi lúc chở ông đi đâu đó, tôi thấy ông thích nhìn trẻ con lắm, mỗi lần thấy trẻ con là mặt ông vui vẻ hẳn lên. Tôi bèn nói ông gắng ăn uống giữ sức khỏe chờ cháu học xong về lập gia đình rồi sinh cháu cho ông nhé, ông lắc đầu bảo ông không sống được đến lúc đấy đâu, mặt ông buồn lắm. Dường như ông linh tính được chuyện gì đấy, sau hè tôi sang lại nước ngoài được vài ngày thì nghe ở nhà nói ông đòi về với mảnh đất Quảng Trị, về thăm Tỉnh ủy Quảng Trị, do dự mãi rồi gia đình cũng phải chấp nhận đưa ông đi trong tình trạng sức khỏe yếu. Có lẽ ông biết tình trạng của mình, ông muốn được về với mảnh đất quê hương, mảnh đất mà ông và đồng đội đã bỏ không biết bao nhiêu xương máu để bảo vệ trong lúc ông còn có thể đi được. Ông ra đấy được vài hôm thì bị tai biến nặng, vào phòng cấp cứu bác sĩ bảo 70% là không cứu được. Mẹ tôi lúc đó cũng đang công tác nước ngoài, phải bay về ngay trong đêm, tôi xin về theo nhưng mẹ bảo cứ để bà về xem tình hình đã rồi quyết. Cũng may sau đó mẹ tôi đưa ông về bệnh viện Huế thì tình hình có chuyển biến khá hơn. Nhưng bây giờ ông yếu lắm, đang phải nằm trên giường bệnh giành giật với thần chết từng ngày nửa năm nay rồi.

Bây giờ là thời gian cận kề ngày kỷ niệm 40 đất nước thống nhất, nhân dân được giải phóng khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm. Ông đang nằm đó, đấu tranh với bệnh tật và những mảng ký ức đang bị những căn bệnh tuổi già dần dần cướp đi, nó có lẽ còn đau khổ hơn cả việc chiến đấu với bom đạn của quân thù. Có lẽ ông cũng không còn nhớ được cái ngày mà ông cùng đồng đội và nhân dân hân hoan trong niềm vui chiến thắng của dân tộc. Là ngày tự hào nhất trong cuộc đời cách mạng của ông , cũng là ngày mà hàng năm ông thúc giục tôi treo giúp ông lá cờ Tổ quốc và lá cờ của Đảng, như để minh chứng rằng ông là một người con nước Việt, là Đảng viên trung thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Những ý nghĩa về trách nhiệm và nghĩa vụ của một Đảng viên đối với nhân dân và đất nước mà tôi đã cảm nhận được thông qua cuộc đời của ông ngoại tôi là như thế đấy. Tôi yêu thương và quý trọng ông bà tôi, nên cuộc đời và cách đối nhân xử thế của ông bà là một điều tất yếu mà tôi phải noi theo, là tấm gương cho tương lai của tôi. Với tôi Đảng và Tổ quốc mà ông đã một lòng phục vụ, tất nhiên nó cũng là mục tiêu phục vụ của tôi. Nhiều người hỏi tôi đi học nước ngoài rồi có muốn ở lại luôn cho “sướng” không, câu trả lời của tôi luôn là “không”, tôi chỉ muốn trở về đóng góp cho đất nước mà gia đình tôi đã góp phần xây dựng.

Những dòng này tôi dùng để diễn đạt suy nghĩ của bản thân, đồng thời cũng muốn truyền đạt về tâm huyết và ước mong của một Đảng viên chân chính một lòng vì độc lập Tổ quốc, vì hạnh phúc Dân tộc, vì sự phát triển của Đất nước để cho các bạn thế hệ trẻ như tôi có thể nhìn thấy, có thể cảm nhận được.

Tháng 4 năm 2015



8 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Biết hơn về Ông qua lời kể của Cháu, cũng là biết về Cháu.
Nhưng mà buồn, vì cái Đảng bây giờ ở cấp cao còn đang phải đấu tranh mồm với nhau về nhiều không: làm quan phát tài, tham nhũng, mị dân, tham vọng quyền lực,...
Thời của Ông chỉ có một chữ "hi sinh".

Q.MF nói...

@HT: Ngày 30/4 vừa rồi, thiên hạ tưng bừng, ông ngoại cu Bim nằm co ro giường bệnh, chỉ con gái và cháu ngoại một bên. Mở TV cho ông coi, ko biết ông có cảm nhận gì được không. Nhưng muội thì thầm vào tai ông: những người như ba đã hoàn thành một sứ mạng lớn là đem về được những ngày an bình hôm nay cho con cháu, trong đó có cu Bim và bé Bống đó ba! ông gật đầu! Biểu cảm của ông bây giờ chỉ có gật và lắc, lâu lâu cười nhưng rất hiếm nói. Chỉ khi nào có khách tới thăm cụ mới cười nhiều.
Đọc những lời cu Bim viết, muội thấy đối với ông bà ngoại, nó cân bằng và ở góc độ sâu hơn mẹ nó, có lẽ tại nó với ông bà từ thuở mới sinh. Nó làm muội nhớ một chi tiết về mẹ: 2 ông bà cùng làm việc tại cơ quan tỉnh ủy BTT, ông CN UBKT, bà cán bộ văn phòng, buổi sáng sau khi bà lo cho cả nhà ăn sáng, cùng xuất phát, cách nhà 3 km. Ông có xe đưa đón, bà đi bộ. Hic. Muội thương mẹ, ngày nào rảnh học, ẽo ọt đèo mẹ trên cái xe đạp cũ kỹ. Ông nói: mẹ con chịu khó, cả mà thiên hạ họ nhìn vào, chướng! Chỉ vì cái từ chướng rất Quảng Trị đó, mà mẹ muội lam lũ, quần ống cao ống thấp, ra sông Hương vớt rong vớt bèo nuôi heo phụ lo ăn cho cả nhà. Bà "vọng phu" và "tòng phu" một đời, cho đến lúc lâm chung tay chân còn đầy chai sạn. Mặc dù bà cũng sở hữu cái HC KCCM hạng nhất! Hic, một bà "vợ quan" tiêu biểu!

Q.MF nói...

@HT: Răng mà Blog muội nó cứ ra cái xác thực ko phải robot lúc đăng nhận xét, rất khó chịu, mà muội vô thiết kế ko có chỗ nào để sửa. Đại ca bày muội với!

Q.MF nói...

@HT: Muội tạm thời giấu đi để hỏi ý Quế con, vì đăng mà chưa "thông qua" ý cu cậu, bị nó cự nự, nịnh mãi chừ được hắn cấp permission rùi nên muội post lại :) :)

HHP nói...

Thật mừng cho mẹ và cho cháu vì cháu đã trưởng thành vượt bặc.Tuy nhiên cần phải chuẩn bị thêm để cháu hiểu những thực tế đau lòng ,đặng khỏi bị stress do hụt hẫng.
MF vô fần cài đặt chỉnh lại nhận xét không có điều kiện.

Q.MF nói...

@HHP: MF vô đó rồi mà sao không có chỗ nào để chọn có điều kiện hay không điều kiện cả :(

TGTB nói...

Thằng Quế con khá lắm. Nhưng Quế con cũng mới nhìn ở góc độ "Góc sân nhà em", Quế con phải được nhìn "từ một góc khác" để vững vàng hơn trong xã hội hôm nay. Đọc bài của Quế con, TGTB như được ôn lại cái "ditcou" hôm nào MF giao trọng trách. Cố gắng chăm ông hai mẹ con nhé!

Q.MF nói...

@TGTB: Quả là mới ngang "góc sân nhà em", nhưng từ góc sân sáng nắng, nó có thể sẽ được tắm nắng để cứng cáp lên, nó cũng bị ám ảnh bởi những vấn đề như cậu TGTB mà!